Quản trị ở một số DNNN: Chưa học lái máy bay, được bổ nhiệm làm cơ trưởng

Duy Cường-Thứ năm, ngày 23/02/2017 16:12 GMT+7

Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành (Ảnh: Đức Long)

VTV.vn - Việc bổ nhiệm những cá nhân không nắm rõ các quy luật về kinh tế thị trường, quản trị doanh nghiệp là một trong nhiều lý do khiến DNNN làm kém hiệu quả thời gian qua.

Phóng viên VTV News đã có cuộc trao đổi với chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành để có thêm thông tin về hiệu quả hoạt động của nhiều tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước...

Thưa ông, trong nhiều năm qua, nhiều tập đoàn, tổng công ty Nhà nước hoạt động kém hiệu quả, thua lỗ... Là một chuyên gia kinh tế, quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Tình trạng thua lỗ, làm ăn kém hiệu quả, tham nhũng tại các doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) không phải là vấn đề quá mới mẻ khi đã được phản ánh rất nhiều trong thời gian qua. Đây là những tồn tại của quá trình chuyển từ nền kinh tế bao cấp sang nền kinh tế thị trường cạnh tranh.

Trước thời kỳ đổi mới, gần như 100% hoạt động kinh tế của nước ta là do Nhà nước nắm vai trò chủ đạo. Điều này chỉ thay đổi khi chúng ta chính thức đi vào đổi mới với một nền kinh tế có nhiều thành phần. Thành phần doanh nghiệp dân doanh bắt đầu với quy mô rất nhỏ lẻ, tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, khối kinh tế này đã chiếm khoảng 50% tổng sản phẩm quốc nội. Trong thời gian gần đây, trước tình trạng làm ăn kém hiệu quả của các doanh nghiệp, tập đoàn Nhà nước, nước ta mới đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa tại khối kinh tế này.

Quản trị ở một số DNNN: Chưa học lái máy bay, được bổ nhiệm làm cơ trưởng - Ảnh 1.

Theo chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành, khối doanh nghiệp tư nhân phải là trụ cột của nền kinh tế (Ảnh: Đức Long)

Tuy nhiên tại đây một vấn đề được đặt ra là tại sao trong không ít trường hợp, Nhà nước vẫn giữ thị phần áp đảo để tiếp tục quản lý doanh nghiệp đấy, tức vai trò của Nhà nước vẫn là chủ đạo.

Sự chủ đạo này được xem là nghịch lý của nền kinh tế thị trường Việt Nam. Nghịch lý nằm ở chỗ việc xây dựng, phát triển doanh nghiệp không phải là chuyện của Nhà nước, đây là vấn đề thuộc về người dân. Nhà nước chỉ có trách nhiệm tạo ra một môi trường tốt trên cơ sở hệ thống pháp luật công bằng, minh bạch để cho doanh nghiệp phát triển. Nhà nước chỉ nên hoạt động trong các lĩnh vực mà tư nhân chưa làm được hay tạm lời chưa làm được.

Nếu chúng ta không quyết liệt thay đổi tư duy về vai trò của Nhà nước trong nền kinh tế, khi vẫn để DNNN chiếm một tỷ trọng lớn thì tình trạng làm ăn thua lỗ, tham nhũng, hoạt động không hiệu quả… chắc chắn vẫn sẽ tồn tại.

Theo ông  những nguyên nhân nào khiến DNNN làm ăn kém hiệu quả, thua lỗ, cũng như xảy ra tình tình trạng tham nhũng… trong thời gian qua?

Tôi còn nhớ có một vị Thủ tướng, nay là nguyên Thủ tướng nói rằng: Cho tôi làm Thủ tướng thì tôi làm được, song nếu bổ nhiệm tôi làm chủ doanh nghiệp thì tôi xin lỗi, tôi ko làm được. Điều này chứng minh một điều rõ ràng, không phải anh làm công chức tốt là có thể đi ra làm quản lý doanh nghiệp được, nếu không hiểu rõ về những quy luật của kinh tế thị trường, những nguyên tắc quản trị doanh nghiệp…

Việc một cá nhân không được đào tạo những kỹ năng về quản trị song lại được bổ nhiệm làm lãnh đạo của một doanh nghiệp là một nghịch lý vô cùng nguy hiểm đang tồn tại ở nước ta. Nó giống như việc một người chưa được lái máy bay song lại được làm cơ trưởng. Với máy bay, hậu quả có thể chỉ là vài trăm con người, song với sự lãnh đạo yếu kém tại một DNNN quy mô lớn có thể ảnh hưởng đến hàng chục nghìn con người, thậm chí ảnh hưởng đến cả nền kinh tế một đất nước.

Ví dụ rõ ràng nhất cho nghịch lý trên là việc thất thoát hàng hàng nghìn tỷ đồng tại nhiều tập đoàn, tổng công ty Nhà nước, mà phần lớn trong đó do sự yếu kém của người đứng đầu trong việc quản trị doanh nghiệp đã được báo chí phản ánh rất nhiều trong thời gian qua.

Không chỉ lãnh đạo cấp cao, nhân sự cấp dưới cũng là vấn đề rất lớn tại DNNN. Hiện nay nhiều trường hợp muốn xin vào làm ở DNNN, dù chỉ là những vị trí rất nhỏ cũng xảy ra tình trạng tham nhũng. Vấn đề này có thật sự là Ban cán sự của Đảng ở các DNNN không biết? Từ tình trạng này đã dẫn đến việc "sáng cắp ô đi tối cắp về" với không ít nhân sự tại các DNNN.

Và việc trong thời gian qua, Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng nhiều lần nhắc đến vấn đề nhân sự tại các DNNN là rất có lý ở  thời điểm hiện tại.

Bên cạnh vấn đề nhân sự, việc hoạt động kém hiệu quả, làm ăn thua lỗ, tham nhũng còn bắt nguồn từ ngay từ quá trình thực hiện các dự án lớn của DNNN.

Thời gian qua xuất hiện các dự án đưa ra những con số dự báo rất thấp để được phê duyệt. Nhưng khi được phê duyệt rồi lại từ từ nâng lên gây thất thoát lớn cho ngân sách Nhà nước. Thậm chí nhiều trường hợp làm dự án để "rút ruột" bằng nhiều cách khác nhau như: Việc kêu gọi các nhà thầu để nhận phong bao, phong bì; các nhà thầu quân xanh, quân đỏ…

Quản trị ở một số DNNN: Chưa học lái máy bay, được bổ nhiệm làm cơ trưởng - Ảnh 2.

Theo chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành, Nhà nước cần phải xem xét tất cả các vấn đề từ vấn đề bổ nhiệm nhân sự cho tới việc triển khai các dự án (Ảnh: Đức Long)

Cùng với vấn đề tham nhũng trong quá trình triển khai dự án, tính hiệu quả của không ít dự án nhiều tỷ đồng sau khi được hoàn thành cũng là một vấn đề rất đáng quan tâm. Liệu trước khi các dự án được triển khai, công tác nghiên cứu sản phẩm sản xuất ra có thể cạnh tranh được trên thị trường, việc phân phối thế nào, chi phí sản xuất ra sao… có thực sự được coi trọng? Hay việc triển khai chỉ vì muốn có dự án mà bất chấp hiệu quả kinh tế. 

Để xảy ra những vấn đề này là lỗi của ban lãnh đạo, của cả một tập thể từ trên xuống dưới. Do đó, theo quan điểm của tôi, Nhà nước cần phải xem xét tất cả các vấn đề từ vấn đề bổ nhiệm nhân sự cho tới việc triển khai các dự án.

Với thực trạng các DNNN ở thời điểm hiện tại, cùng hàng loạt dự án nghìn tỷ đang đắp chiếu hoặc hoạt động kém hiệu quả, theo ông có những giải pháp nào để khắc phục?

Để giải quyết vấn đề trên, Nhà nước cần triển khai theo hướng vừa chi tiết và tổng thế. Với hướng khắc phục chi tiết, Nhà nước cần phải tổ chức nghiên cứu thật cụ thể để ra phương án tối ưu nhất cho từng dự án nghìn tỷ đang đắp chiếu hoặc hoạt động kém hiệu quả.

Cụ thể với một dự án, nếu Nhà nước chấp nhận bỏ thêm tiền để tiếp tục triển khai, thì dự án này cần phải đáp ứng được các tiêu chí: sản xuất ra sản phẩm như thế nào, có chất lượng hay không, chi phí và giá thành có đủ để cạnh tranh không, có hiệu quả kinh tế không…? Nếu dự án nào không đáp ứng được các tiêu chí trên thì nên hủy dự án, thanh lý, bán lại cho doanh nghiệp tư nhân để cắt lỗ. Việc xử lý này bắt buộc phải tuân theo các yếu tố của thị trường, không được theo kiểu hành chính, tức cứ làm ăn kém hiệu quả là xin Chính phủ bù lỗ.

Quản trị ở một số DNNN: Chưa học lái máy bay, được bổ nhiệm làm cơ trưởng - Ảnh 3.

Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành đã chỉ ra hàng loạt các biện pháp để khắc phục trình trạng DNNN làm ăn kém hiệu quả (Ảnh: Đức Long)

Cùng với các dự án, cần phải xem xét lại tổ chức hoạt động của các doanh nghiệp, tổng công ty nhà nước có nhiều công ty con thành viên. Những công ty con nào hoạt động hiệu quả thì giữ lại, tập trung đầu tư để phát triển. Những công ty con nào hoạt động kém hiệu quả, không có khả năng khôi phục thì tiền hành thanh lý và nhất quyết không bù lỗ để duy trì hoạt động.

Trong khi đó về tổng thể, như những gì tôi nói ở trên, Nhà nước nên xem lại những lĩnh vực hay mảng nào cần hoạt động mà tư nhân chưa làm được hay tạm lời chưa làm được. Còn những mảng khác, Nhà nước nên rút lui để dành "đất" cho khối doanh nghiệp tư nhân thông qua việc, thanh lý, rút vốn, cổ phần hóa tại các DNNN.

Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước