Trong khi rất nhiều quốc gia trên thế giới vẫn vật lộn chống dịch, số khác phải suy tính làm sao để mở cửa lại nền kinh tế một cách an toàn, thì Việt Nam là cái tên tạo nên nhiều sự chú ý đối với báo chí và các học giả Mỹ trong thời gian qua.
Chuyên trang chính trị Politico ngày 21/5 có bài xếp hạng các nước bị tác động bởi dịch COVID-19. Bài báo công bố sơ đồ xếp hạng các nước. Cột đứng là kết quả tăng trưởng kinh tế. Cột ngang là hiệu quả y tế. Việt Nam đang đứng cao nhất trong dự báo về kết quả tăng trưởng kinh tế và cách xa các nước về đạt hiệu quả y tế.
Bài báo nhận định Việt Nam nổi tiếng là chưa có bệnh nhân nào tử vong. Chỉ có hơn 300 ca nhiễm trên tổng số 90 triệu dân. Việt Nam là số ít các nước có thể đạt tăng trưởng dương năm nay. Vì thế, về tổng thể, Việt Nam xếp số 1 toàn cầu về chống COVID-19.
Theo Politico, Việt Nam xếp số 1 toàn cầu về chống COVID-19
Trong khi đó, theo trang tin của Viện Nghiên cứu Brookings, Việt Nam là một trong những nước đầu tiên mở cửa trở lại nền kinh tế. Hiệu quả trong phòng dịch là nhờ những nỗ lực liên tục trong cải thiện cách phối hợp giữa chính quyền trung ương tới địa phương. Đây là hệ thống đã được xây dựng trong 1 thời gian dài, không phải ngày một ngày hai là có được.
Nhiều nước trước kia cho rằng kiểm soát dịch sớm sẽ ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế. Nhưng những gì diễn ra thời gian qua và những gì Việt Nam đã làm được lại chứng minh điều ngược lại.
CNBC ca ngợi khả năng chống dịch COVID-19 của Việt Nam
Còn trang CNBC thì nhận định Việt Nam đã hành động quyết đoán sớm và cũng có trong tay những kinh nghiệm thành công từ dịch SARS năm 2003.
"Dừng các tour du lịch từ Trung Quốc, tạm ngưng giao thương và cách ly người từ bên ngoài vào là những việc Việt Nam đã làm ngay từ đầu dịch và trong khi các nước khác ở Đông Nam Á vẫn còn lưỡng lự", CNBC cho biết.
Trang Bloomberg thì nhấn mạnh Việt Nam đang có vị trí tốt để thu hút nhiều chuỗi cung ứng toàn cầu.
Nhật Bản, nhà đầu tư lớn thứ 2 của Việt Nam tháng trước tung ra gói 2,2 tỷ USD để doanh nghiệp chuyển nhà máy ra khỏi Trung Quốc. Còn mới đây, công ty Inventec của Đài Loan (Trung Quốc) - đối tác lắp ráp tai nghe cho Apple, và Pegatron Corp - đối tác láp ráp iPhone của Apple cũng đã chi hàng trăm triệu USD để mở nhà máy mới ở Việt Nam.
Cho đến lúc này dịch COVID-19 vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro trên thế giới. Nhưng với những gì đã qua, nhiều bài báo ở Mỹ cho rằng cách phòng dịch sớm của Việt Nam là cách ít tốn kém nhất nhưng lại đạt được hiệu quả cao nhất. Hiệu quả đó là sự kết hợp giữa duy trì tăng trưởng kinh tế và giữ gìn tính mạng cho chính người dân.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!