Phát triển ngành công nghiệp phụ trợ: Còn nhiều thách thức

Sơn Nghĩa-Thứ năm, ngày 29/08/2024 09:11 GMT+7

Lãnh đạo TP Hồ Chí Minh và các đại biểu tại buổi khai mạc "Hội nghị tìm kiếm nhà cung cấp công nghiệp hỗ trợ năm 2024" do Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh tổ chức ngày 28/8.

VTV.vn - Mặc dù ngành công nghiệp phụ trợ đã có những bước phát triển tốt, nhưng tỷ lệ nội địa hóa vẫn còn thấp. Doanh nghiệp trong nước vẫn phụ thuộc chủ yếu vào nhập khẩu.

Chưa như kỳ vọng

Ngành công nghiệp phụ trợ tại Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế công nghiệp. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, ngành này vẫn chưa đạt được kỳ vọng mà chính phủ và doanh nghiệp đã đặt ra. Trao đổi với phóng viên Thời báo VTV bên lề "Hội nghị tìm kiếm nhà cung cấp công nghiệp hỗ trợ năm 2024" do Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh tổ chức ngày 28/8, một doanh nghiệp trong ngành dệt may thừa nhận công ty vẫn phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu và phụ liệu nhập khẩu. Dù có năng lực sản xuất mạnh, phần lớn vải, sợi và các phụ liệu như cúc áo, khóa kéo của công ty đều phải nhập từ Trung Quốc, Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc).

Phát triển ngành công nghiệp phụ trợ: Còn nhiều thách thức - Ảnh 1.

Có những DN dệt may vẫn phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu và phụ liệu nhập khẩu. Ảnh minh họa

"Ngành công nghiệp phụ trợ trong nước chưa đủ đáp ứng về chất lượng và tiêu chuẩn quốc tế, nên chúng tôi phải nhập khẩu nguyên phụ liệu từ nước ngoài để đáp ứng nhu cầu của khách hàng quốc tế", vị giám đốc doanh nghiệp cho biết. Sự phụ thuộc này khiến công ty gặp khó khăn trong việc kiểm soát chi phí và dễ bị ảnh hưởng khi chuỗi cung ứng quốc tế bị gián đoạn, nhất là trong thời điểm khủng hoảng.

Theo thống kê, tỷ lệ nội địa hóa của các sản phẩm công nghiệp phụ trợ trong các ngành chủ lực như ô tô, điện tử và dệt may còn rất khiêm tốn. Tỷ lệ nội địa hóa trong ngành ô tô chỉ đạt khoảng 10-15%, ngành điện tử đạt 30-35%, và ngành dệt may, dù cao hơn, cũng chỉ dừng lại ở mức 50-60%. So với các nước trong khu vực như Thái Lan hay Malaysia, tỷ lệ này của Việt Nam vẫn còn thấp, cho thấy sự phụ thuộc lớn vào nguyên liệu và linh kiện nhập khẩu.

Cụ thể, theo Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), cả nước hiện có 377 doanh nghiệp ô tô, trong đó có 169 doanh nghiệp FDI, chiếm tỷ lệ 46,43%. Số lượng nhà sản xuất, cung ứng trong nước cho ngành công nghiệp ô tô còn khá khiêm tốn. Tổng số sản phẩm trong ngành này là 1.221, trong đó đa số là sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, hàm lượng công nghệ trung bình và thấp, có giá trị nhỏ trong cơ cấu giá trị của một chiếc ô tô.

Đáng chú ý, các doanh nghiệp Việt Nam hiện chỉ chiếm khoảng 25-30% thị phần trong ngành công nghiệp phụ trợ, trong khi các doanh nghiệp FDI chiếm ưu thế với 70-75% thị phần. Điều này cho thấy các doanh nghiệp nội địa vẫn còn yếu thế về công nghệ, vốn và quy mô sản xuất. Sự phụ thuộc vào các doanh nghiệp nước ngoài không chỉ khiến ngành công nghiệp phụ trợ mất đi tính tự chủ, mà còn ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững của nền kinh tế.

Cần nhiều giải pháp đột phá hơn

Phát biểu tại hội nghị, ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân TP. Hồ Chí Minh, khẳng định những năm gần đây, TP. Hồ Chí Minh đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trên địa bàn thành phố liên kết cung ứng cho các tập đoàn đa quốc gia, để tiếp nhận chuyển giao công nghệ, kinh nghiệm quản trị sản xuất và từng bước hiện đại hóa sản xuất trong nước, tiến tới tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, đồng hành cùng các doanh nghiệp trong quá trình đổi mới công nghệ, mở rộng sản xuất.

Trong năm 2023, hội nghị đã thu hút sự tham gia của 116 doanh nghiệp FDI và các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp đầu chuỗi lớn, tạo điều kiện cho hơn 1.800 cuộc tiếp xúc trực tiếp với 370 nhà máy sản xuất công nghiệp hỗ trợ Việt Nam nhỏ và vừa. Các cuộc tiếp xúc này đã giúp các doanh nghiệp trong nước giới thiệu năng lực sản xuất, tìm kiếm cơ hội hợp tác và từng bước tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Phát triển ngành công nghiệp phụ trợ: Còn nhiều thách thức - Ảnh 2.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan (thứ 2 từ trái) tham quan các sản phẩm trưng bày tại hội nghị

Thực tế, thông qua những hoạt động hỗ trợ của TP Hồ Chí Minh, các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của thành phố đã tham gia vào chuỗi cung ứng cho các doanh nghiệp FDI. Doanh nghiệp FDI và các tập đoàn lớn cũng tìm hiểu nỗ lực nội địa hóa của các nhà cung cấp trong nước, đặc biệt khi chuỗi cung ứng bị ảnh hưởng bởi xu hướng toàn cầu.

Tuy nhiên, để ngành công nghiệp phụ trợ phát triển và thực sự trở thành một lực đẩy mạnh mẽ cho nền kinh tế, nhiều chuyên gia cho rằng cần phải có những giải pháp đột phá hơn. Một trong những giải pháp quan trọng là tăng cường chính sách hỗ trợ và ưu đãi đầu tư cho các doanh nghiệp nội địa. Chính phủ cần tiếp tục hoàn thiện các chính sách thuế, hỗ trợ tài chính và giảm thiểu thủ tục hành chính để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp nội địa mở rộng sản xuất và nâng cao năng lực cạnh tranh. Bên cạnh đó, cần xây dựng các khu công nghiệp chuyên biệt cho ngành công nghiệp phụ trợ với những giải pháp ưu đãi về vốn vay cho doanh nghiệp trong ngành công nghiệp phụ trợ phát triển.

Cụ thể, bà Nguyễn Thị Kim Ngọc, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cho biết, thành phố đã đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi từ nhà máy truyền thống sang nhà máy thông minh, với mục tiêu thúc đẩy ngành công nghiệp TP Hồ Chí Minh trở nên xanh sạch và hiệu quả hơn. TP Hồ Chí Minh hiện đang triển khai các gói vay ưu đãi với lãi suất thấp để hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ đầu tư vào công nghệ và nâng cấp nhà máy, trong đó có các doanh nghiệp hoạt động trong ngành công nghiệp hỗ trợ.

Ngành công nghiệp hỗ trợ được TP Hồ Chí Minh xác định là lĩnh vực ưu tiên cần tập trung phát triển để giúp nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng khả năng thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, đẩy mạnh chuyển giao công nghệ, thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước. Chính sách hỗ trợ lãi suất của TP Hồ Chí Minh đối với các dự án đầu tư thuộc lĩnh vực ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội có mức vay tối đa lên đến 200 tỷ đồng/dự án.

Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực cũng là yếu tố then chốt để nâng cao chất lượng sản phẩm và năng lực sản xuất của ngành công nghiệp phụ trợ. Ngoài ra, thúc đẩy chuyển giao công nghệ và đổi mới sáng tạo là cần thiết để giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu và nâng cao giá trị gia tăng cho các sản phẩm công nghiệp phụ trợ.

Ngành công nghiệp phụ trợ đang đứng trước nhiều thách thức lớn, nhưng cũng đầy tiềm năng phát triển. Để thực sự bứt phá, cần những giải pháp mạnh mẽ và đột phá hơn, nhằm tạo ra một nền tảng vững chắc cho ngành công nghiệp phụ trợ phát triển, góp phần nâng cao vị thế của ngành trong chuỗi giá trị toàn cầu.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước