Bản tái định cư của người Thái thuộc xã Chiềng Bằng, huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La hiện có hàng chục hộ dân đang phát triển kinh tế bằng nghề nuôi trồng thủy sản. Nhà anh Mè Văn Học (bản Ba Nhất, xã Chiềng Bằng, Quỳnh Nhai, Sơn La) cũng vậy, tận dụng lòng hồ thủy điện anh cũng nuôi cá chép, cá lăng, cá trắm cỏ và cá rô…
"Nhờ có vùng lòng hồ thủy điện Sơn La em lần đầu tiên được nuôi cá lồng trên bè. Một năm trừ chi phí thì em thu nhập 70 - 80 triệu đồng", anh Học chia sẻ.
Hồ thủy điện Sơn La có chiều dài 175km với diện tích mặt hồ 224 km2 đã mở ra một tiềm năng to lớn cho nghề nuôi trồng thủy sản của đồng bào nơi đây.
Lòng hồ thủy điện Sơn La là địa điểm lý tưởng để phát triển du lịch cộng đồng.
Lòng hồ thủy điện Sơn La cũng là địa điểm thích hợp để người dân nuôi cá phát triển kinh tế. Không những vậy đây còn là địa điểm lý tưởng để phát triển du lịch cộng đồng.
25 tuổi chàng trai dân tộc Thái - Là Văn Phong - đã khởi nghiệp cùng với 2 người bạn thành lập hợp tác xã du lịch. Sau đó từ nguồn vốn hỗ trợ của Ngân hàng Chính sách xã hội, anh đã sắm chiếc thuyền du lịch 2 tầng đầu tiên trên hồ thủy điện, để đưa khách đi thăm quan.
Đến nay, hợp tác xã của anh đã phát triển thành công ty cổ phần, quản lý, khai thác nhiều hạng mục du lịch nổi tiếng trên lòng hồ, với doanh thu khoảng gần 3 tỷ đồng mỗi năm.
"Hiện tại chúng tôi có 3 tàu du lịch trên hồ thủy điện đón 30 - 100 khách. Tạo việc làm cho 12 lao động, có mức lương 5 - 6 triệu đồng", anh Là Văn Phong - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần dịch vụ Quỳnh Nhai Travel cho hay.
Tại huyện Quỳnh Nhai đang có hơn 7.000 hộ dân có vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội, trong đó nhiều mô hình được đầu tư nuôi trồng thủy sản và phát triển du lịch từ lòng hồ thủy điện Sơn La. Nhờ đó mà đời sống kinh tế của bà con nơi đây đã có nhiều đổi thay tích cực.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!