Khu vực kinh tế tư nhân hiện đang đóng góp khoảng 60% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Như khẳng định mới đây của Tổng Bí thư Tô Lâm, kinh tế tư nhân chính là chìa khoá để kinh tế Việt Nam cất cánh, đạt được tăng trưởng bền vững và nâng cao vị thế. Và để có thể vươn mình, theo đóng góp của nhiều chuyên gia sự bình đẳng và không phân biệt là điều cần được thiết lập trong tư duy phát triển kinh tế tư nhân.
"Công bằng trong cơ chế chính sách. Công bằng trong quản lý vận hành, và đặc biệt được khai thác nền tảng hạ tầng bình đẳng, được khai thác các nguồn tài nguyên, nguồn lực của đất nước", ông Phan Đình Tuệ - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh cho hay.
Tiến sĩ Cấn Văn Lực - Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - tiền tệ Quốc gia cho biết: "Thời gian tới ta cần tạo ra 3 cái quyền: 1 là quyền sở hữu tài sản, 2 là quyền tự do kinh doanh tức là họ được làm những gì pháp luật không cấm và 3 là cạnh tranh bình đẳng như các chủ thể khác trong nền kinh tế".
Theo chuyên gia, để đạt mục tiêu tăng trưởng trên 8% trong năm nay, nền kinh tế sẽ cần huy động khoảng 174 tỷ USD, trong đó khu vực tư nhân đóng góp khoảng 96 tỷ USD. Mục tiêu này chỉ đạt được trong 1 sân chơi bình đẳng và Nhà nước đóng vai trò "bà đỡ".
Khi đó bàn tay tư nhân mới lại có thể tạo ra hiệu quả như những thương vụ điển hình về cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, như trường hợp của Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam - Vinamilk, Bia Sài Gòn Sabeco hay Tổng công ty Viglacera.
Sau khi GELEX trở thành cổ đông chi phối, năm qua, lợi nhuận trước thuế hợp nhất của Viglacera đã đạt 1.630 tỷ đồng, tăng 94% so với năm 2020 thời điểm thoái vốn. Điều này chứng tỏ hoạt động hiệu quả, chi phí được tiết giảm, từ đó các cổ đông bao gồm cả cổ đông Nhà nước là Bộ Xây dựng (sở hữu 38,58%) được hưởng lợi lớn hơn.
Ông Lê Tuấn Anh - Phó Tổng giám đốc, CTCP Tập đoàn Gelex cho hay: "Từ 2025 có nhiều dự án đầu tư công lớn trọng điểm, với vai trò là doanh nghiệp tư nhân trong nước, chúng tôi mong muốn cơ quan nhà nước tạo điều kiện để các doanh nghiệp tư nhân được đóng góp các sản phẩm chất lượng cao có hàm lượng giá trị công nghệ cao vào trong các dự án này".
Trong chỉ đạo mới đây về phát triển kinh tế tư nhân, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu trong năm 2025 giảm ít nhất 30% thời gian xử lý thủ tục hành chính; giảm tối thiểu 30% chi phí tuân thủ; bãi bỏ ít nhất 30% điều kiện kinh doanh không cần thiết. Đây cũng là nền tảng cho các doanh nghiệp tự tin đặt kế hoạch kinh doanh ở mức cao kỷ lục, đóng góp vào bức tranh tăng trưởng chung của đất nước.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!