Hiện, sản phẩm cơ khí Việt Nam chỉ mới đáp ứng được hơn 20% nhu cầu trong nước, 80% thị trường thuộc về các doanh nghiệp nước ngoài.
‘ Sản phẩm cơ khí mới đáp ứng 20% nhu cầu trong nước
Công ty thiết bị công nghiệp M.T.C đã xuất xưởng được 50 máy ép nguyên liệu chất đốt trong công nghiệp, với giá thành chỉ bằng 1/6 máy nhập khẩu từ châu Âu. Theo chương trình hỗ trợ cho các sản phẩm thay thế hàng ngoại nhập của TP.HCM, sản phẩm của công ty sẽ được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, mở rộng sản xuất.
Tuy nhiên, muốn nhận được hỗ trợ này, doanh nghiệp phải có nhà máy sản xuất. Điều này không dễ với những doanh nghiệp cơ khí vốn hầu hết đều là doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Ông Nguyễn Minh Văn, Giám đốc Công ty Thiết bị công nghiệp M.T.C cho biết: “Nếu sản xuất nhà máy thì bắt buộc phải vào các khu công nghiệp. Vào khu công nghiệp thì diện tích tối thiểu phải là 5.000m2 trong khi 1m2 có giá 50-60 USD. Như vậy, doanh nghiệp sẽ mất tới 300.000 USD để mua mặt bằng. Khi xây dựng xong nhà xưởng thì doanh nghiệp đã hết lực”.
Thêm một cái khó khác là muốn chế tạo máy móc thay thế hàng ngoại nhập, doanh nghiệp trong nước phải nhập khẩu một số linh kiện như thép chế tạo, động cơ điện… Thế nhưng, nếu nhập khẩu nguyên sản phẩm thì thuế suất bằng 0%, còn nhập từng bộ phận phải chịu thuế từ 5-30%. Điều này vô tình khuyến khích các doanh nghiệp nhập khẩu máy móc nước ngoài thay vì có thể chế tạo dây chuyền thiết bị hoàn chỉnh trong nước với việc chỉ nhập khẩu một số bộ phận trong nước chưa chế tạo được.
Ông Yasuzumi Hirotaka, Giám đốc điều hành Tổ chức thúc đẩy ngoại thương Nhật Bản (JETRO) cho rằng: “Từ trước đến nay, các chính sách hỗ trợ của Chính phủ Việt Nam thường chủ yếu tập trung vào các doanh nghiệp quốc doanh mà bỏ lỡ một mảng doanh nghiệp vừa và nhỏ, đặc biệt là các doanh nghiệp hỗ trợ ngành cơ khí. Việt Nam vừa qua đã có chiến lược công nghiệp hóa trong 6 lĩnh vực, theo tôi nên tập trung vào các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Phải xem nhu cầu của các doanh nghiệp Việt Nam cần cái gì để có chính sách hỗ trợ kịp thời”.
Trong vòng 10 năm trở lại đây, trong nước chưa xây dựng được một nhà máy nào chuyên về lĩnh vực chế tạo máy. Trong 24 dự án thuộc cơ khí trọng điểm được phê duyệt chỉ có 5 dự án được thực hiện. Theo Hiệp hội Doanh nghiệp Cơ khí Việt Nam, khó khăn chính của ngành cơ khí chế tạo Việt Nam là do chưa hình thành được một số ngành mũi nhọn dẫn đến tình trạng thiếu định hướng, tập trung phát triển.
Hội cơ khí TP.HCM cho rằng, việc trước mắt để các doanh nghiệp trong nước có động lực đầu tư phát triển là làm sao giải quyết những vướng mắc đã tồn tại hơn 10 năm qua như miễn thuế những linh kiện, động cơ cơ khí trong nước chưa sản xuất được để hỗ trợ sản xuất trong nước; miễm giảm thuế VAT các máy móc thiết bị, khuôn mẫu do trong nước sản xuất để tăng tính hấp dẫn tiêu thụ sản phẩm.