Bún, miến, phở Việt Nam xuất khẩu sang Liên minh châu Âu (EU) đã không cần phải bổ sung chứng nhận an toàn thực phẩm nữa. Tuy nhiên, vẫn còn mì ăn liền chứa gói gia vị có sau sấy và thanh long tươi vẫn tiếp tục duy trì quy định phải có giấy chứng nhận an toàn thực phẩm và tần xuất kiểm tra là 20%.
Để nhiều mặt hàng nông sản vào EU được giảm tần suất kiểm tra về an toàn thực phẩm, các chuyên gia cho rằng cần sự hợp tác giữa nông dân và doanh nghiệp để sản xuất sản phẩm an toàn từ tận gốc và cả quá trình chế biến, đóng gói, vận chuyển đáp ứng yêu cầu của thị trường.
Doanh nghiệp cần tuân thủ quy định của thị trường, kiểm soát tốt nguyên liệu đầu vào, để giảm tần suất bị kiểm tra của EU.
TS. Ngô Xuân Nam - Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho hay: "Văn phòng SPS Việt Nam cũng khuyến nghị doanh nghiệp Việt Nam lưu ý đối với sản phẩm mì tôm thì chỉ tiêu ethylen oxit là chỉ tiêu EU rất quan tâm, vì vậy doanh nghiệp chế biến sản xuất mì tôm cần kiểm soát chặt chẽ nguyên liệu đầu vào rau sấy trong gói gia vị. Tổ chức sản xuất, xuất khẩu thanh long đặc biệt chú ý kiểm soát tốt mức dư lượng. Một số loại rau thơm, EU cũng để ý dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, vì vậy các doanh nghiệp, hợp tác xã kiểm soát mức dư lượng phải biết được EU kiểm soát những mức dư lượng nào để tổ chức sản xuất đáp ứng yêu cầu của EU".
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, EU vẫn giữ tần suất kiểm tra 50% đối với mùi tây, rau mùi, húng quế, bạc hà... và 20% với mì tôm, thanh long. Khoảng 6 tháng EU sẽ đánh giá lại một lần về an toàn thực phẩm đối với hàng nông sản thực phẩm nhập khẩu vào EU của tất cả các quốc gia. Vì vậy, doanh nghiệp cần tuân thủ quy định của thị trường, kiểm soát tốt nguyên liệu đầu vào, để giảm tần suất bị kiểm tra.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!