Hiện nay, cụm từ start-up đã trở nên phổ biến tuy nhiên nhiều người vẫn chưa phân biệt được start-up, tức là khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, với khởi nghiệp hay lập nghiệp. Về vấn đề này, người phát ngôn của Bộ Khoa học và Công nghệ, ông Bùi Thế Duy cho biết: "Khởi nghiệp hay lập nghiệp thường gắn liền với các DN vừa và nhỏ phục vụ nhu cầu trong nước trong khi khởi nghiệp đổi mới sáng tạo lại có đặc thù khác biệt".
"Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo phải dựa trên một công nghệ mới, hoặc tạo ra hình thức kinh doanh mới, hoặc xây dựng một phân khúc thị trường mới. Tức là các DN khởi nghiệp đổi mới sáng tạo phải có gì đó khác biệt không chỉ với các DN ở trong nước, với tất cả các công ty trước đây và cả với các DN khác trên thế giới. Vì đặc điểm đó nên DN khởi nghiệp đổi mới sáng tạo nhanh chóng thu hút được đầu tư trong và ngoài nước để phát triển nhanh, ví dụ như Facebook, Google chả hạn, thế nên chỉ trong 2-3 năm đã phát triển để trở thành các tập đoàn lớn", ông Bùi Thế Duy - Chánh văn phòng Bộ KH&CN - phân biệt.
Ông Bùi Thế Duy cho biết, DN khởi nghiệp đổi mới sáng tạo có những điểm đặc thù riêng.
Theo số liệu thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, số lượng DN khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đã tăng lên tới 25.000. Đây là con số đáng mừng cả về số lượng lẫn quy mô vốn và được cho là phụ thuộc vào nhiều yếu tố như kinh tế chính trị thế giới, yếu tố nội tại của Việt Nam, điều kiện của hệ thống chính trị cũng như vai trò của Bộ KH&CN.
Liên quan đến Hệ sinh thải khởi nghiệp, ngày 18/5/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định về đề án phát triển Hệ sinh thải khởi nghiệp đến năm 2025. Đây là quyết định quan trọng giúp Việt Nam có cơ sở để xây dựng hành lang pháp lý cũng như mục tiêu, nội dung cụ thể để phát triển Hệ sinh thái khởi nghiệp.
Phó Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học công nghệ Trần Xuân Đích cho hay, trên cơ sở quyết định số 844, Bộ KH&CN đã triển khai nhiều nội dung để xây dựng Hệ sinh thải khởi nghiệp. Theo ông Đích, Bộ KH&CN đã triển khai 4 công việc cụ thể.
"Đầu tiên là về hành lang pháp lý để có nhân tố cho Hệ sinh thải khởi nghiệp hoạt động ổn định, bền vững và phát triển. Công việc thứ hai là tăng cường công tác thông tin tuyên truyền cho Quốc gia khởi nghiệp để các bạn sinh viên, đặc biệt là các trường đại học khối kinh tế, kỹ thuật có niềm đam mê có khát vọng hơn, tự mình có thể khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Công việc thứ ba là đào tạo. Chúng tôi đã đưa vào đào tạo trong trường đại học, đào tạo cho chuyên gia, sinh viên kiến thức kỹ năng liên quan đến khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh. Và cuối cùng là kết nối các nhà khởi nghiệp với các nhà đầu tư, quỹ khởi nghiệp, tổ chức các kỳ thi như Techfest", ông Trần Xuân Đích chia sẻ.
Hiện có hơn 30 quỹ dầu tư mạo hiểm nước ngoài "hùn vốn" cho các start-up Việt.
Hiện có khoảng 30 quỹ đầu tư mạo hiểm nước ngoài đang đầu tư vào lĩnh vực khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở Việt Nam với quy mô vốn lên tới hàng triệu USD. Tổng số thương vụ đầu tư mạo hiểm năm 2012 là 25, năm 2015 là 67 và hiện có thể tiếp tục tăng cao.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!