Phải định danh người dùng để quản lý hiệu quả thương mại điện tử

Quốc Lê - Khánh Linh-Thứ sáu, ngày 11/09/2020 10:41 GMT+7

VTV.vn - Theo Bộ Công Thương, đã đến lúc phải coi TMĐT là cách thức kinh doanh chính của doanh nghiệp, phải có cách ứng xử phù hợp với các hình thức kinh doanh mới.

Trí Việt (First News) khởi kiện Lazada là một sự kiện thu hút được sự quan tâm của người dùng cũng như các doanh nghiệp thương mại điện tử trong suốt tuần qua. Sự việc bắt đầu từ đầu năm 2019 khi công ty này nhận được nhiều phản hồi của bạn đọc về vấn đề sách kém chất lượng, in sai sót được mua trên Lazada với mức giá giảm từ 42-55% (cá biệt có trường hợp lên đến 72%) so với giá bìa, trong đó có nhiều đầu sách mà First News là bên duy nhất được quyền sử dụng quyền tác giả một cách hợp pháp để dịch, liên kết xuất bản và in ấn tại thị trường Việt Nam. 

Phải định danh người dùng để quản lý hiệu quả thương mại điện tử - Ảnh 1.

First News đã đặt mua và nhận được hàng trăm cuốn sách làm giả chính sản phẩm của mình.

Sau nhiều lần gửi công văn yêu cầu kiểm tra, quản lý việc buôn bán sách giả nhưng tình trạng không được khắc phục. Ngày 4-9, vừa qua, First News - Trí Việt đã nộp đơn khởi kiện Lazada lên Tòa án nhân dân quận 1, TP.HCM. Tòa án nhân dân quận 1 (TP.HCM) đã nhận đơn, kết quả xử lý đơn sẽ được thông báo sau 8 ngày làm việc.

Phải định danh người dùng để quản lý hiệu quả thương mại điện tử - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Văn Phước, Tổng giám đốc Công ty sách First News

Trao đổi với phóng viên, Nguyễn Văn Phước, Tổng giám đốc Công ty sách First News cho biết: "Chúng tôi đã cảnh báo Lazada không dưới 3 lần và 2 lần họp báo nhưng bên Lazada vẫn ngang nhiên không thèm quan tâm… Tôi nghĩ đây không phải là một việc bức xúc mà là đòi lại công bằng và Lazada phải chịu toàn bộ trách nhiệm". Cũng theo ông Phước, đã có gần 200 tựa sách của First News bị làm giả và bán trên Lazada trong suốt 2 năm qua.

Người tiêu dùng chịu thiệt thòi

Là người thường xuyên mua hàng qua internet, trong đó có sách. Chị Lê Thị Bình, một độc giả yêu sách tại Hà Nội cho biết việc lựa chọn hàng giả, không có bản quyền là rủi ro cho người tiêu dùng vì họ không có công cụ hoặc cách nào để thẩm định trước khi nhận hàng. "Tôi nghĩ là các trang thương mại điện tử hoặc cơ quan quản lý phải kiểm tra, xử phạt thôi chứ người dùng cũng khó mà phân biệt được. Nhất là những mặt hàng như sách khi mua online càng khó phân biệt thật giả..."

Phải định danh người dùng để quản lý hiệu quả thương mại điện tử - Ảnh 3.

Độc giả Lê Thị Bình, Hà Nội: "Người dùng cũng khó mà phân biệt được".

Sản phẩm không có bản quyền, in ấn không đảm bảo, thậm chí có hại cho thị giác và nếu có vấn đề về nội dung, chất lượng cũng không có ai chịu trách nhiệm. Theo Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, rõ ràng người tiêu dùng đang phải bỏ tiền ra để nhận về sản phẩm mình không hề mong muốn. Khi nói về tình trạng này, hầu hết các doanh nghiệp tham gia kinh doanh sách đều cho rằng các chế tài xử lý vi phạm là chưa đủ sức răn đe. "Bởi vì chúng ta chơi được định danh sản phẩm là sách in đấy được gọi là hàng giả hàng nhái hay là hàng lậu, bởi vì xếp vào hàng giả hàng nhái thì sẽ có khung chế tài về mặt hình sự luôn và có tính răn đe rất là rõ. Thế nhưng mà định nghĩa cái gọi là hàng giả thì không liên quan đến sách", Phó tổng giám đốc Alphabooks Đào Quế Anh chia sẻ.

Phải định danh người dùng để quản lý hiệu quả thương mại điện tử - Ảnh 4.

Bà Đào Quế Anh - Phó Tổng GĐ Alphabooks: "Cần có chế tài mạnh mẽ hơn xử lý kinh doanh sách giả".

Phải định danh người dùng trên thương mại điện tử

Không riêng sản phẩm sách, trong thời gian qua khi mà thương mại điện tử Việt Nam liên tục bùng nổ với mức tăng trưởng xấp xỉ 30% mỗi năm thì việc quản lý ngày càng khó khăn hơn. Tháng 03/2020, Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương đã phải ra quyết định thành lập tổ công tác về Thương mại điện tử (Tổ 368) nhằm kiểm tra, kiểm soát việc tuân thủ các quy định pháp luật về thương mai điện tử của thương nhân, tổ chức, cá nhân và các mô hình kinh doanh thương mại điện tử.

"Đã đến lúc chúng ta phải coi TMĐT là cách thức kinh doanh chính của doanh nghiệp. Chúng ta phải có cách ứng xử phù hợp với các hình thức kinh doanh mới này. Cách thức xử phạt giữa online và offline không có gì khác biệt. Quan trọng là nếu xảy ra vụ việc thì chúng ta phải xác định và xử lý được người bán đó", ông Nguyễn Kỳ Minh, Phó Chánh văn phòng, Tổng cục Quản lý thị trường cho khẳng định.

Phải định danh người dùng để quản lý hiệu quả thương mại điện tử - Ảnh 5.

Ông Nguyễn Kỳ Minh, Phó Chánh văn phòng, Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương.

Tính riêng trong giai đoạn đầu dịch COVID-19, hơn 11.000 gian hàng cùng 26.000 sản phẩm, hàng hóa đã bị phát hiện và xử lý trên các sàn thương mại điện tử lớn. Theo Cục Thương mại điện tử và kinh tế số, các biện pháp định danh người dùng, yêu cầu các gian hàng, thương nhân tham gia sàn thương mại điện tử phải cung cấp thông tin chính xác cùng với các chế tài mạnh mẽ hơn sẽ là biện pháp cứng rắn để ngăn chặn tình trạng kinh doanh hàng giả, nhái, vi phạm bản quyền và lợi dụng thương mại điện tử để trục lợi. Theo một khảo sát của đơn vị này mới đây, có tới 72% người dùng Việt Nam cho biết trở ngại lớn nhất khi mua sắm trực tuyến là sản phẩm thực tế kém chất lượng so với giới thiệu, quảng cáo. Thương mại điện tử Việt Nam vẫn tiếp tục có mức tăng trưởng ấn tượng nhất là trước bối cảnh dịch COVID-19, tuy nhiên, theo Viện nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh VEPR, người tiêu dùng cũng đang ngày một kỹ tính hơn, do đó việc kiểm soát tốt thị trường này cũng sẽ là mục tiêu mà cơ quan quản lý cũng như các sàn chắc chắn phải sớm đẩy mạnh.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước