Ngay sau khi có Công điện của Thủ tướng Chính phủ về việc quản lý, điều hành mặt hàng xăng dầu vào ngày 11/11, nhiều giải pháp đã được các bộ, ngành và địa phương đưa ra để tháo gỡ khó khăn và ổn định nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước. Ghi nhận của phóng viên VTV trong ngày hôm nay (18/11) cho thấy, tình hình đã được cải thiện rõ rệt.
Được biết, trong gần 1 tuần nay, mỗi ngày, cửa hàng xăng dầu 01 của Petrolimex tại TP Hà Nội nhập khoảng 90.000 m3 xăng dầu, đáp ứng liên tục và đảm bảo đầy đủ cho trung bình hơn 35.000 lượt khách mỗi ngày, không còn cảnh người dân xếp hàng dài chờ đến lượt mua.
"Tuần trước em mua xăng rất vất vả, nây giờ đơn hơn nhiều, rất là thoáng", một người dân TP Hà Nội chia sẻ.
Mua bán xăng dầu tại một cửa hàng bán lẻ xăng dầu. (Ảnh: TTXVN)
"Tôi thấy tuần này mua xăng khá vắng so với tuần trước nhiều, dễ dàng, không phải xếp hàng", một người dân khác cho biết.
Tổng cục Quản lý thị trường cho biết, sau 7 ngày tăng cường kiểm tra, kiểm soát hoạt động kinh doanh xăng dầu, đến nay đã có 663 lượt thương nhân đầu mối và phân phối xăng dầu thực hiện ký kết đảm bảo đủ nguồn cung; có 1 trường hợp là Công ty Cổ phần Dịch vụ và Thương mại tổng hợp Hải Hà trên địa bàn Hà Nội bị đề nghị thu hồi giấy phép, bởi thương nhân đầu mối này không có bất kỳ hoạt động mua, bán nào từ đầu năm tới nay.
"Với tình hình diễn biến hiện nay, từ nay đến Tết dương lịch và âm lịch, tình hình xăng dầu có thể tiếp tục biến động. Do vậy, lực lượng quản lý thị trường tiếp tục huy động toàn bộ lực lượng để đảm bảo nguồn cung xăng dầu cũng như giám sát, xử lý kịp thời những hành vi vi phạm, gian lận xăng dầu", ông Trần Hữu Linh, Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường, thông tin.
Về nguồn cung xăng dầu tại miền Bắc, riêng Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) đã nhập, mua hơn 2 triệu m3 trong tháng 11 và 12, đảm bảo đủ cho hệ thống phân phối, bán lẻ của tập đoàn trên cả nước.
Tại các tỉnh Miền Trung - Tây Nguyên, 4 doanh nghiệp, thương nhân đầu mối cũng đã chủ động được nguồn hàng, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng cho doanh nghiệp và người dân.
Công ty Dầu khí Nam Sông Hậu đang cung cấp 40% thị phần xăng dầu cho TP Hồ Chí Minh và khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long. Theo hạn mức phân giao tối thiểu của Bộ Công Thương, trong quý 4, doanh nghiệp sẽ đảm bảo cung ứng 200.000 m3 xăng dầu cho thị trường. Tuy nhiên sự hạn chế trong quá trình vận chuyển, cung ứng xăng dầu bằng đường thủy ở khu vực này cần sớm được giải quyết.
"Vùng Đồng bằng Sông Cửu Long thì tàu lớn đi không được, do đó việc vận tải xăng dầu gặp rất nhiều khó khăn, bởi vì luồng lạch chỉ vô được tàu lớn nhất là 6.000 khối. Do đó chúng tôi mong các bộ, ngành, nhất là Bộ Giao thông Vận tải, hỗ trợ cho công ty được mang tàu Nam Sông Hậu Singapore về chở trong nước để đảm bảo cho việc không đứt hàng cục bộ từ Dung Quất về đến Cần Thơ", ông Mai Văn Huy, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Thương mại Đầu tư Dầu khí Nam Sông Hậu, đề xuất.
Theo kiến nghị của các doanh nghiệp đầu mối, phân phối xăng dầu, gói tín dụng ưu đãi 700 tỷ đồng do Bộ Công Thương đề xuất với Ngân hàng Nhà nước cần được giải ngân trong tháng này mới có thể đảm bảo nguồn vốn để nhập khẩu xăng dầu từ nay đến cuối năm.
Theo Bộ Công Thương, trong 10 tháng đầu năm, lượng xăng dầu nhập khẩu và sản xuất trong nước là 18,6 triệu m3, đạt khoảng 90% nhu cầu tiêu dùng trong cả năm. Còn 2 nhà máy lọc dầu Bình Sơn và Nghi Sơn hiện cũng đang vận hành tối đa công suất.
"Dự án Nhà máy lọc dầu Dung Quất hiện đang vận hành rất an toàn, ổn định, ở 112% công suất và dự kiến trong năm 2022 sẽ đưa ra thị trường trên 7 triệu tấn xăng dầu các loại. Còn đối với Công ty lọc hóa dầu Nghi Sơn hiện tại đang vận hành ở mức 107% công suất, dự kiến trong năm 2022 sẽ đưa ra thị trường trên 6,1 triệu tấn xăng dầu các loại", ông Phạm Văn Chất, Trưởng Ban Công nghiệp khí và Lọc hóa dầu, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, cho biết.
Trong 3 tháng cuối năm, Bộ Công Thương cũng đã phân giao tổng nguồn cung xăng dầu tối thiểu là 5,5 triệu m3 cho 36 doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu trong nước. Mức phân giao này sẽ đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!