Ô tô nhập tháng 8 tăng vọt trở lại bất chấp COVID-19 và tháng "cô hồn"

Theo Dân trí-Thứ tư, ngày 02/09/2020 13:54 GMT+7

Ảnh minh họa.

VTV.vn - Lượng xe nhập về Việt Nam trong tháng 8 đạt 8.000 xe nguyên chiếc, tăng gần gấp đôi so với các tháng trước bất chấp cuối tháng 7 đại dịch COVID-19 quay trở lại Việt Nam.

Số liệu được Tổng cục Thống kê công bố mới đây cho thấy, các doanh nghiệp nhập khẩu đã và đang chuẩn bị kỹ phương án nhập xe cho mùa cao điểm mua sắm xe hơi cuối năm, bất chấp tổng cầu xe hơi giảm và người tiêu dùng đang không mặn mà với xe.

Trong 3 tháng gần đây từ tháng 5 đến tháng 7, lượng xe nhập về Việt Nam không vượt quá 5.000 chiếc/tháng, mức suy giảm chưa từng diễn ra trước đó. Cụ thể, trong tháng 7, Việt Nam chỉ nhập hơn 4.700 chiếc, tháng 6 là 3.500 chiếc và tháng 5 là 4.800 chiếc.

Lượng xe nhập suy giảm liên tục qua các tháng khiến tổng lượng xe về Việt Nam giảm sút. Theo đó, hết 8 tháng, Việt Nam ghi nhận lượng nhập khẩu xe hơi đạt gần 53.000 chiếc, con số này giảm hơn 30.000 chiếc so với cùng kỳ năm trước. Mức suy giảm mạnh do lượng người mua xe hơi của người Việt giảm liên tiếp từ đầu năm đến nay do ảnh hưởng của dịch bệnh.

Hai nguyên nhân chính khiến xe nhập suy giảm do dịch bệnh bùng phát lần đầu tại Việt Nam vào tháng 3 và tái bùng phát vào tháng 7, điều này đã khiến tổng cầu giảm.

Bên cạnh đó, hàng loạt xe có doanh số cao như Honda CRV, Mitsubishi Xpander, Toyota Fortuner chính thức chuyển từ nhập khẩu sang lắp ráp trong nước đã khiến thị trường xe nhập từ Thái Lan và Indonesia về Việt Nam suy giảm lượng rất mạnh.

Nguyên nhân thứ 3 là do tác động của dịch bệnh đã khiến hàng loạt nước đóng cửa giao thương, trong đó có các nước EU, Hàn Quốc, Nhật Bản điều này đã ảnh hưởng đến lượng hàng hóa xuất nhập khẩu nói chung và xe hơi nói riêng.

Ô tô nhập tháng 8 tăng vọt trở lại bất chấp COVID-19 và tháng cô hồn - Ảnh 1.

Xe nhập tháng 8 bất ngờ tăng mạnh, gần gấp đôi so với các tháng trước. Tín hiệu cho thấy doanh nghiệp xe nhập đã và đang bắt đầu chuẩn bị hàng cho mùa cao điểm xe cuối năm.

Tuy nhiên, trả lời báo chí mới đây đại diện Vụ Thuế xuất nhập khẩu, Tổng cục Hải quan, lượng xe nhập về nước ta trong tháng 8 và các tháng cuối năm có thể tăng vọt trở lại bởi các hãng, doanh nghiệp đang chủ động để phục vụ thị trường xe cuối năm. Điều này cũng hợp lý nếu so với xu hướng xe nhập về Việt Nam trong các năm trước đây.

Hiện, xu hướng giá xe trong nước đang giảm, hàng loạt các biện pháp kích thích thị trường, song không vì thế mà các hãng xe không tăng nhập về Việt Nam.

Theo ông Nguyễn Văn Chiến, chủ đại lý xe nhập khẩu tại Phạm Hùng, Hà Nội cho biết: "Dự đoán nhu cầu xe cuối năm sẽ tăng và thị trường sẽ hồi phục vào đầu năm 2021, nên các doanh nghiệp chủ động nhập xe về. Hiện, bất lợi lớn nhất cho doanh nghiệp chính là nhu cầu xe giảm và cuộc chạy đua xuống giá trên thị trường. Việc chạy đua xuống giá có thể ảnh hưởng đến lợi nhuận, song vẫn không khiến các đại lý lỗ, các doanh nghiệp, đại lý chỉ lo tổng cầu xuống thấp".

Ghi nhận tại thị trường xe hơi Hà Nội, các đại lý xe trong tháng 8 có mức bán ra giảm sút mạnh, tâm lý nhiều người ngại mua xe trong tháng ngâu (tháng 7 âm lịch - trùng với tháng 8 dương). Nhiều người kinh doanh xe cho biết phải qua ngày 15 âm lịch (2/9) nhu cầu xe mới trở lại và các đại lý hiện nay đều tổ chức giảm giá, chiết khấu mạnh các mẫu xe, dòng xe để kích thích tiêu dùng.

Hiện, xe nhập có phần thua thiệt so với xe trong nước trong cuộc cạnh tranh về giá bán và chi phí lăn bánh. Các mẫu xe lắp ráp, sản xuất trong nước đang được giảm 50% phí trước bạ (5-6%), trong khi xe nhập vẫn giữ 10-12%.

Các hãng xe trong nước, trong đó có hãng xe Việt lớn đang thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ người tiêu dùng bằng vay trả góp không lãi suất hoặc vay đến 90% giá trị xe.

Bên cạnh đó, nhiều hãng xe lắp ráp như Trường Hải, Hyundai Thành Công, Honda, Toyota, Ford, Nissan giảm giá hàng loạt các mẫu xe hơi lắp ráp. Mức giảm giá bán xe hiện nay dao động từ 30 đến hơn 260 triệu đồng/chiếc.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước