Ồ ạt trồng sắn, nhiều nông dân Tây Nguyên lâm cảnh nợ nần

Kiều Hoa, Ngọc Khánh-Thứ năm, ngày 24/08/2017 18:48 GMT+7

VTV.vn - Việc phát triển "nóng" cây sắn đã gây ra tình trạng "được mùa mất giá", nhiều nông dân Tây Nguyên lâm cảnh nợ nần.

Lâu nay, người nông dân thường quan niệm cây sắn (có nơi gọi là mỳ) là loại cây dễ trồng, ít công chăm sóc cũng như kinh phí đầu tư thấp. Giá sắn trên thị trường có thời điểm tăng cao trên 2.000 đồng/kg tươi. Vì vậy, thời gian qua, người dân Tây Nguyên đã ồ ạt mở rộng diện tích phát triển cây sắn lên đến gần 160.000ha.

Đất ruộng, đất bán ngập, đất dốc và cả đất rừng, bất cứ nơi nào, người dân cũng phá đi để chuyển sang trồng sắn. Thế nhưng, 3 năm gần đây, ở Tây Nguyên, giá sắn trên thị trường rớt thảm hại, thậm chí có lúc chạm đáy ở mức 600 - 700 đồng/kg sắn tươi, khiến nhiều gia đình lao đao. Nhiều hộ thậm chí còn rơi vào cảnh nợ nần, vì trước đó phải đi vay vật tư phân bón để đầu tư chăm sóc cho cây trồng này.

Bà Y Cheo, thôn Khúc Na, xã Sa Bình, huyện Sa Thầy, Kon Tum cho biết, do sắn rớt giá nên gia đình bà trả nợ cũng không đủ.

Quá trình nhiều năm trồng sắn cộng với việc liên tục sử dụng thuốc diệt cỏ trong canh tác, ông Nguyễn Quốc Huy (thông Bình Trung, xã Sa Bình, huyện Sa Thầy, Kon Tum) cho biết, năng suất cây sắn ngày một giảm đi. Điều dễ nhận thấy nhất là củ sắn nhỏ, lượng tinh bột cũng giảm, kéo theo đó là giá bán loại sắn này chỉ ở mức thấp.

Không chỉ nông dân gặp khó, các nhà máy chế biến tinh bột sắn ở khu vực Tây Nguyên nói chung, tỉnh Kon Tum nói riêng cũng rơi vào cảnh khốn đốn. Cuối năm 2016 - đầu năm 2017, nhiều nhà máy phải hoạt động cầm chừng vì lượng sắn tồn đọng, không tìm được đầu ra cho sản phẩm.

Ông Đỗ Đình Ban, Giám đốc Công ty TNHH tinh bột sắn Kon Tum cho biết: "Tình hình tiêu thụ cây sắn cũng như hàng nông sản gặp khó khăn, phụ thuộc phần lớn thị trường Trung Quốc. Năm 2016 và nửa năm 2017, giá sắn chạm đáy. Các doanh nghiệp tiêu thụ tồn kho nhiều ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh, đời sống công nhân và cả người dân đầu tư vào cây sắn vừa không có lãi".

Trong khi đó, tại các tỉnh Tây Nguyên nói chung, cũng như Kon Tum nói riêng, việc liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp còn rất hạn chế. Đơn cử tại Kon Tum, thống kê chỉ có khoảng 3.000 hecta sắn trong số 40 ngàn hecta của nông dân là có hợp đồng ký kết bao tiêu từ nhà máy. Như vậy, còn đến 90% diện tích cây sắn của bà con vẫn đứng trước nhiều rủi ro khi thị trường có sự biến động về giá./.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước