Phong trào nuôi heo đất xóa nghèo
Là một xã vùng xa, nơi đời sống người dân còn nhiều khó khăn nhưng những năm qua nhờ vận dụng sáng tạo việc tuyên truyền, vận động, xã Quảng Hiệp, huyện Cư M'gar, tỉnh Đắk Lắk đã xây dựng được nguồn quỹ "Vì người nghèo" lên tới hàng trăm triệu đồng thông qua phong trào "Nuôi heo đất".
Trồng rau và chăn nuôi là công việc hàng ngày của gia đình ông Tấu (thôn Hiệp Đạt, xã Quảng Hiệp, huyện Cư M'gar). Lo kinh tế gia đình nhưng ông không quên nuôi thêm 1 chú heo đất để hưởng ứng phong trào xây dựng quỹ xóa hộ nghèo của địa phương. Ông tham gia nuôi heo đất đã được 10 năm.
"Năm đầu tiên tôi nuôi là 350.000/con, năm 2013 là tôi nuôi 500.000 đồng/con, về sau trung bình 300.000/con", ông Tấu cho hay.
Với ông Lương Thanh Toàn - Bí thư thôn Hiệp Đạt, heo đất của gia đình được đặt luôn ở bàn uống nước để tiện cho các thành viên trong gia đình cho heo ăn. "Cán bộ Đảng viên trong thôn thực hiện trước, sau đó vận động người dân", ông Toàn nói.
Mỗi ngày vài nghìn đồng tiết kiệm bỏ heo đất, các cơ quan ban ngành, đoàn thể, các thôn, xóm, ấp tại xã Quảng Hiệp đã tiên phong thực hiện và tạo nên phong trào nuôi heo đất như thế.
87 hộ tại xã Quảng Hiệp, huyện Cư M'gar, tỉnh Đắk Lắk đã thoát nghèo nhờ phong trào nuôi heo đất.
Nếu như năm 2011, lần đầu tiên triển khai phong trào, toàn xã nuôi được 37 con heo đất với số tiền 17 triệu đồng, đến năm 2020, số heo đất tăng lên 450 con với số tiền tích cóp lên đến 200 triệu đồng.
Cách nuôi heo đất rất đơn giản, nếu tham gia phong trào UBND xã sẽ phát cho người tham gia 1 con heo đất và mỗi năm 1 lần xã sẽ tổ chức lễ hội đập heo đất để bổ sung vào nguồn quỹ "Vì người nghèo". Tích tiểu thành đại, sau 10 năm phát động phong trào nuôi heo đất, con số tiết kiệm đạt được khiến ai cũng phải ngỡ ngàng, một kết quả mà không phải địa phương nào cũng thực hiện được.
Theo đó, từ năm 2011 đến nay, sau 10 năm, xã Quảng Hiệp đã nuôi được 2.787 con heo đất. Tổng số tiền tiết kiệm được là 1 tỷ 968 triệu đồng. Từ nguồn quỹ này, xã Quảng Hiệp đã hỗ trợ, xóa được 87 hộ nghèo, hỗ trợ xây nhà đại đoàn kết, hỗ trợ cây con giống cho từng hộ dân khó khăn đó là cách mà chính quyền địa phương triển khai để sử dụng nguồn quỹ có hiệu quả.
Heo đất xây nhà đại đoàn kết
Căn nhà đại đoàn kết của gia đình ông Lô Hoàng Thiện (thôn Hiệp Đạt, xã Quảng Hiệp, huyện Cư M'gar) đang được hoàn thiện để đón Tết. Căn nhà rộng 56m2 với chi phí khoảng 130 triệu đồng. Số tiền hỗ trợ là 50 triệu đồng, không phải là 100% chi phí nhưng với gia đình ông đó là niềm hạnh phúc rất lớn. Ông đã an tâm hơn cho cuộc sống tương lai của đứa con mắc bệnh hiểm nghèo trong khi tuổi ngày càng cao.
"Tôi quá hạnh phúc, quá sung sướng, quá toại nguyện bởi vì tôi nghĩ đời con tôi không xây được nhà thế này nữa. Tuổi của hai chúng tôi không biết ngày nào lá rụng", ông Thiện chia sẻ.
Căn nhà của ông Thiện chỉ là 1 trong số 27 căn nhà đại đoàn kết được xây dựng từ nguồn tiết kiệm nuôi heo đất tại xã Quảng Hiệp được thực hiện trong 10 năm qua.
Ngoài xây nhà đại đoàn kết, chính quyền xã chuyển sang hỗ trợ các hộ nghèo cây con giống mà cụ thể là dê giống để phát triển kinh tế. Từ 74 con dê giống ban đầu, đến nay số dê đã tăng lên 300 con. Dù nguồn quỹ vẫn còn hạn hẹp nhưng tinh thần đoàn kết, chia sẻ, giúp nhau làm kinh tế của người dân là rất đáng mừng.
Ông Hòa Mạnh Quân - Chủ tịch MTTQ xã Quảng Hiệp, huyện Cư M'gar, Đắk Lắk cho biết, hiện xã vẫn còn 6 hộ nghèo cần xóa nhà tạm và mục tiêu của xã sẽ hoàn thành kế hoạch này trong 2 năm tới từ phong trào tiết kiệm từ nuôi heo đất.
Từ những con heo đất tiết kiệm, đã có hàng trăm căn nhà đại đoàn kết được xây mới cho người nghèo.
Đoàn kết từ phong trào nuôi heo đất
Nuôi heo đất chỉ là một trong nhiều phong trào vận động ủng hộ xây dựng "quỹ xóa đói giảm nghèo". Từ những con heo đất tiết kiệm, đã có hàng trăm căn nhà đại đoàn kết được xây mới cho người nghèo.
Theo thống kê của Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Cư M'Gar, phong trào nuôi heo đất đã huy động được hơn 14 tỷ đồng, hỗ trợ xây mới hơn 400 căn nhà cho người nghèo và gia đình chính sách.
Nuôi heo đất không chỉ xây dựng được nguồn quỹ vì người nghèo mà trên hết từ phong trào này một không khí đoàn kết, chia sẻ, cùng nhau thoát nghèo, phát triển kinh tế đã được tạo ra. Bắt đầu từ 1 xã, đến nay phong trào nuôi heo đất đã lan tỏa đến tất cả các xã trong huyện Cư M'Gar.
"Các phong trào trên địa bàn huyện đã đạt được kết quả nhất định, tạo được sự gắn kết và lan tỏa trong cộng đồng dân cư. Phát huy tinh thần này, trong những năm tới huyện ủy, các ban ngành đoàn thể sẽ tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa, tiếp tục nâng cao đời sống người dân", ông Nguyễn Văn Danh - Trưởng ban Tuyên giáo huyện ủy Cư M'Gar, Đắk Lắk cho hay.
Theo ông Danh, ngoài phong trào nuôi heo đất, thực hiện Chỉ thị 05 về đẩy mạnh học tập và làm theo từ tưởng đạo đức phong cách Hồ Chí Minh, nhiều nội dung đột phá khác cũng được địa phương triển khai thực hiện như: Vận động cán bộ Đảng viên mỗi ngày đóng góp 1.000 đồng hỗ trợ xây sửa nhà cho gia đình nghèo’ xây dựng công trình vệ sinh cho các trường học với số tiền lên đến hàng tỷ đồng.
Nuôi heo đất - hành động nhỏ những ý nghĩa lớn. Một người đóng góp thì khó nhưng cả cộng đồng cùng chung tay sẽ tạo được nguồn quỹ không hề nhỏ. Phong trào nuôi heo đất xóa nghèo như câu chuyện ở huyện Cư M'Ga là một điểm sáng bởi ở đây chính quyền địa phương đã phát động, triển khai và đặc biệt là đã bền bỉ duy trì được phong trào này trong thời gian dài. Đó là điều khó khăn nhất mà không phải địa phương nào cũng có thể thực hiện thành công.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!