Ngày 25/8 vừa qua, Trung Quốc quyết định áp dụng chính sách “hai hạ” là hạ tỷ lệ lãi suất và hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc tại các ngân hàng.
Kể từ khi thị trường chứng khoán Trung Quốc bắt đầu giảm điểm hồi tháng 6/2015, Bắc Kinh đã tìm mọi cách để tung ra thị trường “một nguồn cung ứng tài chính dồi dào”. Tuy nhiên, càng bơm Nhân dân tệ ra thị trường nhiều bao nhiêu, trái đắng nhận lại càng nhiều bấy nhiêu. Hậu quả là hơn 3200 tỷ USD đã bốc hơi khỏi thị trường khi cả trăm mã chứng khoán trượt dốc tới hàng chục lần.
Tuy nhiên, theo Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu chứng khoán và tài chính, Đại học Nhân dân Trung Quốc, nước cờ “hai hạ”của PBoC lần này sẽ không dẫn đến vốn trực tiếp đổ lại vào thị trường chứng khoán như kỳ vọng bởi đa số người chơi cổ phiếu tại Trung Quốc là bằng tiền đi vay mượn. Thị trường bốc hơi khiến họ cháy túi. Trong cơn hoảng loạn đó, chiếc phao hạ lãi suất tung ra sẽ giúp họ giảm bớt gánh nặng nợ nần hơn. Vì thế, nếu muốn tiếp tục, họ cũng không thể chơi trong ngắn hạn.
Bên cạnh đó, hiện chỉ số sản xuất PMI của Trung Quốc liên tục giảm trong các tháng qua đã tác động tiêu cực lên nền kinh tế dù nước này đang dần chuyển đổi sang mô hình phát triển dựa vào tiêu dùng. Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, hạ lãi suất cơ bản và các ngân hàng giảm bớt áp lực dự trữ tiền mặt sẽ giúp nhà đầu tư dễ dàng tiếp cận dòng vốn trong nước, qua đó, thúc đẩy mở rộng hoạt động sản xuất, đẩy dòng vốn đầu tư cổ phiếu sang ngành sản xuất chế tạo.
Khi tâm lý nhà đầu tư ổn định, thị trường bớt hoảng loạn sẽ không còn cảnh kéo theo chuỗi “ngày đen tối” trên thị trường chứng khoán toàn cầu. Do vậy, biện pháp hạ lãi suất được xem như một liệu pháp đóng mở van giúp điều tiết không khí trong lành hơn trên thị trường chứng khoán Trung Quốc vào thời điểm nhạy cảm này.
Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam.