Nông sản Việt nỗ lực đáp ứng tiêu chuẩn của thị trường EU

VTV Digital-Thứ bảy, ngày 24/08/2024 13:22 GMT+7

VTV.vn- Xuất khẩu nông lâm thủy sản Việt sang EU đang dẫn đầu về tăng trưởng gần 30%. Để duy trì mức tăng trưởng này, nông sản Việt Nam đã nhanh chóng thích ứng nhiều quy định mới.

Xu hướng tăng cường kiểm soát an toàn thực phẩm

Mới đây, EU đã thông báo dự thảo quy định thay đổi mức dư lượng tối đa (MRL) đối với 4 hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật. Sự thay đổi này dự kiến EU sẽ áp dụng từ tháng 2/2025.

Trước dự thảo quy định mới này, đại diện Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật Việt Nam (gọi tắt là Văn phòng SPS Việt Nam) cho biết, có nhiều mức MRL giảm sâu liên quan đến nhiều sản phẩm của Việt Nam đã và đang xuất khẩu sang châu Âu. Hiểu một các nôm na là nông sản của Việt Nam muốn bán vào EU sẽ phải đáp ứng nhiều tiêu chí khắt khe hơn, họ sẽ kiểm định kỹ hơn, lượng tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trên sản phẩm sẽ phải giảm đi.

Nhiều loại nông sản nổi tiếng của Việt Nam như gạo, cà phê, bưởi, sầu riêng, chuối, dứa… cũng nằm trong danh sách tăng cường kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong thời gian tới. Lý giải nguyên nhân vì sao là có sự thay đổi trên, lãnh đạo Văn phòng SPS cho biết, những quy định này EU dự kiến áp dụng cho tất cả các quốc gia, vùng lãnh thổ xuất khẩu thực phẩm vào thị trường của họ, kể cả nội khối EU, không riêng nông sản của Việt Nam.

Gần đây, không chỉ EU mà nhiều thị trường khác như Trung Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ cũng tăng cường các biện pháp an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật với các loại thực phẩm nhập khẩu, với mục tiêu đảm bảo an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng của họ.

Nông sản Việt nỗ lực đáp ứng tiêu chuẩn của thị trường EU - Ảnh 1.

Nông sản Việt nỗ lực đáp ứng tiêu chuẩn của thị trường EU. Ảnh: Bộ Công Thương.

Tại Văn phòng SPS Việt Nam, gần 1 tháng qua, họ đã tiếp nhận tới 90 thông báo về thay đổi các biện pháp an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật của không chỉ EU mà nhiều thành viên WTO. Theo đại diện của văn phòng cho biết, bất kỳ một thay đổi nào về quy định của thị trường cũng đều ảnh hưởng đến sản xuất trong nước và xu thế của các thị trường đều siết quy định về an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng sản phẩm nhập khẩu.

Ông Ngô Xuân Nam - Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: "Trước xu thế như vậy, đòi hỏi người sản xuất chủ yếu là cá nhân, hộ gia đình, hợp tác xã, doanh nghiệp thường xuyên cập nhật việc thay đổi các quy định của thị trường bởi vì chủ trương của chúng ta là đẩy mạnh xuất khẩu nông sản thực phẩm. Một trong những yêu cầu cao của xuất khẩu nông sản thực phẩm là chúng ta phải đáp ứng được các tiêu chuẩn, quy định của thị trườngbởi vì nếu không đáp ứng được lập tức sẽ bị thị trường cảnh báo là vi phạm. Khi bị vi phạm sẽ ảnh hưởng tới doanh nghiệp, quan trọng hơn ảnh hưởng tới uy tín của doanh nghiệp Việt Nam".

Văn phòng SPS Việt Nam cam kết sẽ hỗ trợ, cập nhật và minh bạch thông tin về an toàn thực phẩm như những thay đổi mức MRL, quy định về phụ gia thực phẩm, các quy định về đối tượng kiểm dịch của tất cả các thị trường để giúp các bên liên quan đáp ứng tốt nhất các quy định này.

Nông sản Việt vào EU: Cập nhật quy định mới giữ thị trường

Trong vòng 1 tháng đã có tới 90 thông báo thay đổi các biện pháp an toàn thực phẩm từ các thị trường thế giới, có nghĩa là mỗi ngày đều có 2 thông báo với nhiều quy định thay đổi. Rõ ràng doanh nghiệp không chỉ tập trung vào sản xuất mà họ còn phải nắm bắt thông tin kịp thời để điều chỉnh kế hoạch sản xuất.

Trước các quy định mới của EU, các doanh nghiệp hiện nay không chỉ tập trung vào sản xuất mà họ còn phải nắm bắt thông tin kịp thời để điều chỉnh kế hoạch sản xuất. Chính vì vậy mà các vùng trồng, vùng nuôi, cơ sở đóng gói, chế biến, hiệp hội, ngành hàng, cơ quan quản lý và địa phương cần phải tăng cường liên kết theo hướng đồng quản lý an toàn thực phẩm, chất lượng, góp phần chuẩn hóa ngay từ nguyên liệu đầu vào đến khi xuất khẩu.

Điều này cũng lý giải vì sao phải nửa năm nữa nhiều quy định của thị trường EU mới được áp dụng, nhưng nhiều doanh nghiệp nông sản đang gấp rút chuẩn bị để có được sản phẩm tốt nhất đảm bảo yêu cầu thị trường EU, với tiêu chí nâng cao chất lượng để giảm rủi ro.

Nông sản Việt nỗ lực đáp ứng tiêu chuẩn của thị trường EU - Ảnh 2.

Trong vòng 1 tháng đã có tới 90 thông báo thay đổi các biện pháp an toàn thực phẩm từ các thị trường thế giới.

Công ty TNHH Chế biến trái cây Yasaka đang xuất xoài tươi sang thị trường Hà Lan, vì vậy dự thảo mới từ phía EU dự báo sẽ có tác động đến hoạt động kinh doanh trong thời gian tới. Để chuẩn bị cho những thay đổi, doanh nghiệp cho biết, ngay từ bây giờ sẽ làm việc lại với nông dân về quy trình sản xuất nhằm đảm bảo đúng yêu cầu. Bởi với một vi phạm tại thị trường châu Âu về dư lượng các hoạt chất, không chỉ ảnh hưởng riêng 1 lô hàng, thậm chí còn tác động tiêu cực đến cả ngành hàng.

Ông Nguyễn Trọng Trung Dũng - Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH Chế biến trái cây Yasaka cho biết: "Chúng tôi đang hướng tới cho bà con nông dân sử dụng hữu cơ, thay thế dần những loại hóa chất hay phân bón vô cơ. Như vậy, trong thời gian tới sẽ đi theo lộ trình để có thể đạt tiêu chuẩn chất lượng để nhà nhập khẩu yên tâm".

Châu Âu hiện đang là thị trường xuất khẩu quan trọng của ngành nông nghiệp Việt Nam. Trong 7 tháng đầu năm nay, giá trị xuất khẩu nông nghiệp sang EU đạt 4,2 tỷ USD, tăng gần 30%. Eurocham đánh giá để có thể tận dụng tốt EVFTA, các doanh nghiệp rất cần các cơ quan chuyên ngành hỗ trợ vấn đề vượt các rào cản kỹ thuật.

Ông Jean-Jacques Bouflet - Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (Eurocham) cho biết: "Xuất khẩu của Việt Nam sang châu Âu tăng vọt từ 35 tỷ Euro vào năm 2019 lên tới hơn 48 tỷ Euro vào năm 2023. Chúng tôi cũng sẽ tiếp tục thúc đẩy các giải pháp cho các rào cản kỹ thuật đối với thương mại, đặc biệt là trong chứng nhận và thử nghiệm, đồng thời vận động cắt giảm thuế quan hơn nữa và đơn giản hóa các thủ tục hải quan".

Những thay đổi từ thị trường nhập khẩu là thường xuyên, vì vậy theo các hiệp hội điều quan trọng là doanh nghiệp phải nắm thật rõ quy định và cập nhật liên tục.

Ông Nguyễn Đình Tùng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam khuyến cáo: "Đối với Hiệp hội, chúng tôi luôn khuyến cáo với doanh nghiệp là phải tìm hiểu kỹ là khi xuất khẩu vào một thị trường nào đó trên thế giới, đặc biệt là mặt hàng rau quả, chúng ta phải tìm hiểu kỹ về hàng rào kĩ thuật. Đừng nghĩ hàng tôi xuất vào EU được thì vào Mỹ được, hay vào Mỹ được thì vào Canada được thì sẽ rủi ro rất cao".

Theo kế hoạch, tháng 2 năm sau châu Âu sẽ áp dụng những thay đổi trong quy định về mức dư lượng tối đa này. Tuy vậy, ngay từ giờ các doanh nghiệp cần nắm rõ những thay đổi này để có phương án sản xuất phù hợp.

Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới đây, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan cho biết vẫn có những trường hợp sản phẩm của Việt Nam bị các thị trường nước ngoài trả về do chưa đảm bảo an toàn thực phẩm.

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, hiện nay nhiều doanh nghiệp đã xây dựng chuỗi liên kết để tạo ra sản phẩm "sạch từ nông trại đến bàn ăn." Việc xây dựng chuỗi liên kết để có được sản phẩm sạch, vượt qua các rào cản để xuất khẩu được đối với một nền nông nghiệp manh mún, nhỏ lẻ như nước ta hiện nay cần nhiều nỗ lực.

Việt Nam cần truyền thông để nâng cao nhận thức, giám sát, đặc biệt cần truyền tải để bà con nông dân hiểu rằng phải là người sản xuất có trách nhiệm. Kể cả doanh nghiệp cũng không vì lợi nhuận mà đánh đổi sức khỏe của người tiêu dùng trong nước và hình ảnh của nông sản quốc gia.

7 tháng 'ngon ngọt' của nông sản Việt Nam 7 tháng "ngon ngọt" của nông sản Việt Nam

VTV.vn - Ngành nông nghiệp đạt giá trị xuất khẩu hơn 34 tỷ USD tăng gần 19% trong 7 tháng qua so với cùng kỳ năm ngoái.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước