Nợ nước ngoài của doanh nghiệp có xu hướng tăng nhanh: Liệu có đáng lo?

Trung tâm Tin tức VTV24-Thứ hai, ngày 05/11/2018 09:53 GMT+7

VTV.vn - Nợ nước ngoài của Chính phủ giảm dần, tuy nhiên nợ nước ngoài của khu vực doanh nghiệp đang có xu hướng tăng nhanh.

Những năm gần đây, nợ công đang trở thành mối lo không chỉ của Chính phủ mà người dân cũng luôn theo sát. Tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV, vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm và các báo ghi nhận đó là nợ nước ngoài của Chính phủ giảm dần, tuy nhiên nợ nước ngoài của khu vực doanh nghiệp đang có xu hướng tăng nhanh.

Theo quy định, nợ của doanh nghiệp do doanh nghiệp tự vay, tự trả. Chính phủ đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước đề xuất giải pháp kiểm soát chặt chẽ hoạt động vay nước ngoài của doanh nghiệp, đảm bảo nợ nước ngoài của quốc gia trong giới hạn. Khoản nợ này đã từng được Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng không quá đáng ngại.

Bài "Nền kinh tế đã đi đúng hướng, nợ công đang biểu hiện tích cực" đăng trên Thời báo Tài chính đưa lại ý kiến của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng nợ nước ngoài quốc gia gồm nợ nước ngoài của Chính phủ và của các thành phần kinh tế ngoài Nhà nước. Việc khoản nợ này vừa qua tăng nhanh có một phần nguyên nhân từ hai thương vụ lớn là mua cổ phần Sabeco và đầu tư dự án ô tô Vinfast.

Khi bỏ ra 5 tỷ USD mua Sabeco, Tập đoàn Thai Beverage đã sử dụng pháp nhân là một công ty có đăng ký tại Việt Nam để vay nước ngoài một khoản lớn trong số 5 tỷ USD đó. Hay như Tập đoàn Vingroup để đầu tư vào dự án ô tô Vinfast, đã huy động hàng tỷ USD trên thị trường vốn quốc tế dẫn đến nợ nước ngoài của khối doanh nghiệp tư nhân tăng lên. Nghĩa vụ trả nợ này không phải của Chính phủ mà là của các doanh nghiệp tư nhân ngoài Nhà nước.

Ví dụ như Vinfast, giả sử khi ra mắt sản phẩm, Vinfast có dòng tiền ra họ sẽ trả nợ rất nhanh kéo giảm tỷ lệ này xuống. Nợ tư nhân tăng lên sẽ có rủi ro là tỷ giá và lãi suất đồng USD tăng lên nhưng Chính phủ đã biết và kiểm soát chặt điều này.

Một sự việc được báo giới đồng loạt đăng tải thời gian gần đây đó là khi Vingroup bị Fitch hạ triển vọng xếp hạng tín nhiệm từ ổn định xuống tiêu cực, phản ánh rủi ro đang tăng lên trong hoạt động kinh doanh của tập đoàn này. Điều chỉnh xuất phát từ việc Vingroup vay vốn để tài trợ cho lĩnh vực sản xuất ô tô khiến rủi ro đòn bẩy tài chính tăng lên. Theo ông Phùng Hữu Hạnh - Thạc sĩ tài chính và có chứng chỉ CFA, xếp hạng tín nhiệm này hoàn toàn có thể thay đổi ngay khi có kết quả hoạt động kinh doanh của tập đoàn Vingroup trong thời gian tới với những kết quả đầu tiên của Vinfast.

Một doanh nghiệp hay một tập đoàn muốn phát triển dự án, đặc biệt là những dự án lớn đa phần đều phải đi vay. Điều đó thể hiện tham vọng đầu tư nguồn lực một cách nghiêm túc của doanh nghiệp cho dự án và dám chịu trách nhiệm với khoản vay của mình. Có thể hiểu đó là lý do cho quan điểm là không quá lo ngại về nợ nước ngoài của Phó Thủ tướng.

Khi bị Fitch hạ tín nhiệm, ông Nguyễn Việt Quang - đại diện Vingroup - cho rằng: "Đó là chuyện không tránh khỏi. Nếu không muốn bị hạ bậc chỉ có cách duy nhất là không thực hiện dự án, mà những cái không thực hiện, không dám làm mới là cái đáng lo ngại".

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước