Nhu cầu đầu tư phát triển vẫn cần nguồn vốn từ Nhà nước. Ảnh: Cổng ĐT chính phủ
Trước phiên họp toàn thể của Quốc hội thảo luận về kinh tế - xã hội vào ngày 30/5, một số đại biểu Quốc hội cho rằng, nếu không có được số liệu về nợ công một cách đầy đủ, thì các đại biểu sẽ khó đưa ra các khuyến nghị về chính sách với chính phủ phù hợp tình hình hiện nay.
Ông Hà Sỹ Đồng, Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị cho biết: “Nhiều báo cáo đưa ra nhiều số liệu khác nhau, đặc biệt là số liệu của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước mà chính phủ bảo lãnh cho vay chưa được thống kê một cách cụ thể, nên cũng rất khó để có ý kiến chính thức. Nếu có được số liệu chính xác thì QH sẽ có cơ sở để tham gia cùng chính phủ điều hành nền kinh tế vĩ mô trong thời gian lâu dài và bền vững hơn, ổn định hơn”.
Báo cáo của Chính phủ cho rằng, đến cuối năm ngoái, nợ công của Việt Nam là 54,1% GDP, còn đánh giá của các tổ chức khác lại cho rằng, nợ công Việt Nam hiện đến 95% GDP, có nghĩa là cả nước làm ra 136 tỷ USD trong năm ngoái thì phải trả nợ 120 tỷ USD, nếu như vậy thì đây là điều hết sức nguy hiểm. Tuy nhiên, báo cáo tại phiên khai mạc Quốc hội vừa qua, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định: “Dư nợ công, dư nợ chính phủ, dư nợ nước ngoài quốc gia tiếp tục nằm trong giới hạn an toàn cho phép”. Sở dĩ có sự khác nhau về số liệu nợ công là do phương pháp đánh giá không giống nhau, vì số liệu nợ công của Chính phủ không tính theo cách gộp cả phần vay nợ của các doanh nghiệp Nhà nước do Chính phủ bảo lãnh.
Ông Mai Xuân Hùng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khuyến cáo: “Sự khác nhau về số liệu nợ công còn đang mắc một vấn đề cần phải giải quyết, đấy là các tiêu chí để xác định nợ công. Tiêu chí của Liên hiệp quốc, Ngân hàng Thế giới so với tiêu chí của chúng ta hiện nay khác nhau, nên khi các chuyên gia đưa ra số liệu báo cáo thì phải nói rõ số liệu theo báo cáo nào”.
Ông Nguyễn Hữu Quang, Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội nhấn mạnh: “Theo chiến lược quản lý nợ công đã được QH thông qua thì giai đoạn 2011-2015, nợ công không quá 65% GDP, nợ chính phủ không quá 50% GDP, nợ quốc gia không quá 5% GDP. Cũng theo báo cáo của chính phủ, đến 31/12/2012, nợ công là 54,1% GDP và nợ chính phủ là 43,1% GDP, như vậy các chỉ số nợ là nằm trong chỉ số an toàn, và chính phủ chịu trách nhiệm trước Quốc hội về các số liệu báo cáo”.
Đây không phải là lần đâu tiên có sự khác nhau về số liệu kinh tế do cách tính khác nhau. Hiện Quốc hội chưa thực hiện việc giám sát về tình hình nợ công của chính phủ, vì vậy, các số liệu về nợ công do Chinh phủ cung cấp vẫn được xem là số liệu chính thức để các đại biểu Quốc hội đánh giá. Trái ngược với sự lo lắng về nợ công hiện sắp vượt qua ngưỡng an toàn, một số thành viên của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã đề xuất có thể nới rộng trần nợ công từ nay đến 2015 là 65% GDP, trong bối cảnh nền kinh tế đang có dấu hiệu suy giảm.