Những tồn tại trong sử dụng mã số vùng trồng

Mai Phương-Thứ ba, ngày 09/05/2023 16:29 GMT+7

VTV.vn - Sau khi được cấp mã số vùng trồng, đóng gói, nhiều cơ sở thiếu sự duy trì chất lượng, dẫn đến việc bị thu hồi.

Trong 4 tháng đầu năm nay, xuất khẩu rau quả đạt gần 1,4 tỷ USD, tăng hơn 19% so với cùng kỳ năm 2022. Trong khi rất nhiều thị trường xuất khẩu như Mỹ, EU sụt giảm, thị trường Trung Quốc lại đang tăng trưởng rất tốt. Hiện nay, để xuất khẩu vào Trung Quốc, nông sản phải được dán chứng nhận mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói. Đây được xem là "thị thực" đối với trái cây khi xuất khẩu.

Vì vậy, thông tin về thu hồi 710 mã số vùng trồng, đóng gói ít nhiều cũng ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu và hình ảnh của nông sản Việt Nam. Thực tế cũng cho thấy, những tồn tại đối với sử dụng mã số vùng trồng không phải là mới đây.

Cách đây gần 3 năm, xoài Đồng Tháp bị mạo danh mã số vùng trồng, dẫn đến việc phải dừng xuất khẩu. Tuy nhiên, theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, đây chỉ là một trong 3 vấn đề chính đối với việc sử dụng mã số vùng trồng hiện nay.

Nhiều cơ sở sau khi được cấp mã số vùng trồng, đóng gói, thiếu sự duy trì chất lượng, dẫn đến việc bị thu hồi. Đây là hiện tượng mới xảy ra gần đây với 710 mã số vùng trồng.

Những tồn tại trong sử dụng mã số vùng trồng - Ảnh 1.

Cách đây gần 3 năm, xoài Đồng Tháp bị mạo danh mã số vùng trồng, dẫn đến việc phải dừng xuất khẩu. (Ảnh: NLĐ)

Ngoài ra, hiện tượng cho mượn mã số vùng trồng, cũng sẽ ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm xuất khẩu.

"Có tình trạng mua bán mã số, mượn mã số của người ta dùng mà không được phép, nếu có phạt thì chỉ phạt hành chính", ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cho biết.

Theo quy trình cấp mã số vùng trồng mới hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ủy quyền địa phương chủ động quản lý và cấp mã số vùng trồng. Điều này giúp giảm bớt thủ tục hành chính, giúp quá trình kiểm tra, giám sát và cấp chứng nhận thuận tiện hơn.

"Họ thiết lập vùng trồng, thiết lập cơ sở đóng gói và sau đó, những vùng trồng nào đủ điều kiện, tiêu chuẩn xuất khẩu theo yêu cầu của phía nhập khẩu họ sẽ gửi danh sách về Cục và Cục sẽ đàm phán với các nước để chấp nhận mã số này. Tôi hy vọng trong thời gian tới, với cách thức quản lý mới, số liệu sẽ thống nhất hơn, địa phương sẽ chủ động hơn trong việc cấp và quản lý mã số vùng trồng", bà Nguyễn Thị Thu Hương, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thông tin.

Một mã số vùng trồng để được cấp có thể phải kéo dài từ 6 tháng đến 1 năm. Việc bị thu hồi, sau đó xin đánh giá cấp lại có thể kéo dài đến vài năm. Vì vậy, việc này ngoài trực tiếp gây thiệt hại kinh tế cho các hợp tác xã (HTX), nhà vườn, còn ảnh hưởng tới hoạt động xuất khẩu hiện nay.

Bảo vệ mã số vùng trồng

Hoạt động xuất khẩu trái cây chính ngạch qua Trung Quốc nhờ các nghị định thư được ký đã giúp loại trái cây này hút hàng, tăng giá, mang lại thu nhập tốt cho nhiều nông dân. Việc bảo vệ mã số vùng trồng, đóng gói hay đầu tư vào chất lượng trở thành yêu cầu bắt buộc.

Sầu riêng có thể xem là câu chuyện thành công của trái cây Việt Nam khi gần đây rất hút hàng tại thị trường Trung Quốc và được kỳ vọng trở thành mặt hàng tỷ USD.

Hiện nước ta đã được cấp 246 mã số vùng trồng sầu riêng xuất khẩu sang Trung Quốc. Nhiều tỉnh, thành khác ở Đồng bằng sông Cửu Long cũng đang xây dựng những vùng nguyên liệu với hy vọng sẽ được cấp thêm mã số vùng trồng. Tuy nhiên nhiều ý kiến cũng nhận định, địa phương, doanh nghiệp và nông dân nên tập trung vào chất lượng thay vì số lượng, diện tích.

"Cũng mong các doanh nghiệp, HTX đều làm đạt chuẩn, duy trì trái sầu riêng của Việt Nam, xuất qua Trung Quốc phải đủ điều kiện để duy trì lâu dài", ông Huỳnh Minh Thiện, Giám đốc HTX Hiệp Đức, Cai Lậy, Tiền Giang, cho biết.

"Nếu chúng ta có thương hiệu như một số nước làm như Thái Lan chẳng hạn. Chúng ta xây dựng thương hiệu, đảm bảo sản phẩm chúng ta sản xuất sạch, đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm thì tôi nghĩ xuất khẩu trái sầu riêng sang thị trường Trung Quốc sẽ rất thuận lợi", ông Lưu Văn Phi, Giám đốc Sở Công Thương Tiền Giang, đánh giá.

Ngoài ý thức nâng cao chất lượng, Hiệp hội Rau quả Việt Nam cũng đề xuất để bảo vệ mã số vùng trồng và đóng gói có thể có thêm chế tài đối với việc vi phạm khi sử dụng các mã số này.

"Thậm chí bên Thái Lan phạt những người cắt sầu riêng còn non để xuất khẩu, vì như vậy là phá hoại thương hiệu quốc gia, mình hiện nay chưa làm điều đó. Sắp tới phải có những chế tài với việc đó", ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam", nói.

Nhiều ý kiến cũng cho rằng, ngoài việc giám sát của cơ quan quản lý, chính doanh nghiệp và nông dân phải xem mã số vùng trồng như một loại tài sản và có ý thức tự bảo vệ, nếu phát hiện ra các hành vi sai phạm.

Mã số vùng trồng - “Hộ chiếu” cho nông sản Việt vươn xa Mã số vùng trồng - “Hộ chiếu” cho nông sản Việt vươn xa

VTV.vn - Mã số vùng trồng hiện được xem như "tấm vé thông hành" cho nông sản đi xa bởi khi được cấp mã số, sản phẩm của vùng trồng sẽ đáp ứng điều kiện xuất khẩu chính ngạch.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước