Thức ăn, nước uống, nơi ở… đó là những nhu cầu thiết yếu nhất của con người. Với những người đang sinh sống, làm việc tại các thành phố lớn, được sở hữu một căn nhà không phải chỉ dừng ở mức nhu cầu thiết yếu, mà nó còn là một ước mơ, đánh đổi bằng nhiều mồ hôi, công sức, nhất là trong bối cảnh đất chật, người đông, nguồn cung nhà khan hiếm. Vậy nên, việc có những tòa chung cư tái định cư đang bỏ hoang, không người ở trong nhiều năm liền thực sự là một nghịch lý.
Khu tái định cư tại phường Trần Phú, quận Hoàng Mai với vài trăm căn hộ là nơi để tập kết vật liệu xây dựng, là chỗ đậu xe, là khu chăn gà, nuôi chó..., chứ không phải là nơi các hộ dân sinh sống.
"Dân về ở, đông người thì chúng ta có người ngồi buôn dưa lê. Không có người ở thì chúng ta chăn gà..", người dân cạnh chung cư nói.
Không có người ở thì chăn gà - sự tận dụng chẳng sai của những người dân sống đối diện với khu tái định cư. Vừa hay, cỏ cây um tùm ở khuôn viên sân trước lại thành vườn nhỏ lý tưởng cho trại gà, chuồng vịt, mặc các căn hộ trống trơn phía trên tiếp tục chờ người ở.
"Mình còn đang phải thuê nhà mà đối diện nhà mình cứ để không…", một người dân khác cạnh chung cư cho hay.
Để không đương nhiên chẳng tránh nổi hư hỏng. Hoang phế trong không gian, xuống cấp theo thời gian và cả những đổ vỡ vì bị phá hoại.
Những tòa chung cư tái định cư đang bỏ hoang, không người ở trong nhiều năm liền thực sự là một nghịch lý.
Một khu tái định cư khác gồm 5 tòa chung cư nằm ngay trên đường lớn Lý Sơn ở phường Thượng Thanh, quận Long Biên cũng mới được sơn sửa lại. Tuy nhiên, người dân xung quanh cho hay: "9 năm nay rồi, càng để càng xuống cấp. Chỉ tổ mối mọt chứ có gì đâu mà. Chất lượng xuống, sơn si hỏng, cửa vỡ. Đợt vừa rồi mới sang sửa lại…".
"Vài lần có người đến xem tưởng là giao nhận nhà những cuối cùng là không có ai về cả", người dân cho biết thêm.
Không ai về, tòa chung cư tiếp tục nhà không, phòng trống. Cả cụm 5 tòa chung cư, chỉ duy có 1 tòa nhà bớt trống vì đã có khoảng 20 hộ chuyển về sống.
Theo thông tin từ Sở Xây dựng Hà Nội, trên địa bàn thành phố có 9 dự đầu tư xây dựng nhà tái định cư sử dụng nguồn vốn ngân sách với quy mô khoảng 2.491 căn hộ chưa thể hoàn thiện và khai thác. Tuy nhiên, đại diện đơn vị này cũng cho biết, số căn hộ chung cư này không phải là bỏ hoang.
Ông Bùi Tiến Thành - Trưởng phòng phát triển đô thị, Sở Xây dựng Hà Nội cho biết: "Khi mà đi đường nhìn qua, mọi người nghĩ tòa nhà đó bỏ hoang nhưng thực ra không phải vậy. Chính quy định về giải phóng mặt bằng, về tái định cư tạo cho cảm giác là bỏ hoang nhưng thực tế không phải. Ở Hà Nội, 9 dự án thực hiện đầu tư công đã được bố trí tái định cư toàn bộ, khoảng 2.500 căn hộ vào dự án này. Tức là các dự án này chưa hoàn thành thì đã được bố trí tái định cư lấp đầy số lượng các căn hộ".
Vì sao nhà tái định vắng cư dân?
Bỏ hoang hay không bỏ hoang? Có thể đó là khác biệt trong định nghĩa và góc nhìn. Còn một thực tế không thể phủ nhận là những khu tái định này dù đã được nghiệm thu nhiều năm nhưng vắng bóng người. Nguyên nhân có thể xuất phát từ việc: Xây dựng là quy định bắt buộc song người được ở lại không mặn mà.
Theo ghi nhận, lúc hơn 3h chiều, trong con ngõ 63 thuốc Bắc (Hà Nội) hoàn toàn không có bất cứ một chút ánh sáng nào nếu như những chiếc bóng đèn điện tại đây bị tắt đi. Trong con ngõ này thì có khoảng hơn 10 hộ dân sinh sống với những căn hộ lớn nhất chỉ gần 30m2. Đặc biệt, có một căn hộ với diện tích chưa đầy 3m2 là nơi sinh sống của hai người đàn ông.
"Tôi sống ở đây là 30 năm rồi, gần 3m2. Ở đây có thằng bé nhà tôi nữa, nó ở với tôi từ bé", ông Chu Văn Cao - quận Hoàn Kiếm, Hà Nội chia sẻ.
Gọi là thằng bé nhưng người con trai của ông Cao năm nay cũng đã ngoài 35 tuổi, nhỉnh hơn vài năm so với thời gian hai bố con sống chung trong căn phòng như một chiếc hộp, chỉ có thể ngồi hay cúi khom. Vậy nhưng dù được chính quyền nhiều lần đề nghị chuyển ra khu tái định cư, câu trả lời của ông vẫn luôn là không.
"Cho tôi cái khu chung cư 15 - 20m2 tôi cũng chẳng đi. Ở đây 11 - 12h đêm thì vẫn sinh hoạt được. Quen hết cả rồi, quen thì thấy nó vững chắc như bất di bất dịch đấy", ông Cao nói.
Trong con ngõ này thì có khoảng hơn 10 hộ dân sinh sống với những căn hộ lớn nhất chỉ gần 30m2.
Bất di bất dịch vì quen, quen sống, quen mưu sinh nơi phố cổ đã gần cả đời người với cái khổ mà người ngoài nhìn thấy, người trong bằng lòng. Cán cân của những người như ông Cao mặc nhiên nghiêng về căn hộ nhiều không: Không đảm bảo diện tích, không ánh sáng tự nhiên, không bếp, không nhà vệ sinh riêng và không đảm bảo an toàn.
Chưa bám sát nhu cầu, thiếu đồng thuận của người dân khi triển khai đề án giãn dân phố cổ giai đoạn hai, trong khi quy định phải có địa điểm tái định cư thành phố mới được triển khai đề án, vậy nên năm tòa chung cư ở Thượng Thanh, Long Biên được triển khai trong khi chưa biết khả năng người dân chấp nhận di dời là bao nhiêu, để rồi chấp nhận "đợi người".
"Bài toán" đang đi tìm lời giải hợp lý
Theo dữ liệu nghiên cứu của Hiệp hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, nhu cầu nhà ở tại Hà Nội vẫn đang không ngừng tăng lên. Từ nay đến năm 2025, trung bình mỗi năm, dự báo Hà Nội có thể thiếu khoảng 50.000 căn hộ.
Giá nhà cũng tăng cao, giá bán của chung cư quý II đã tăng 24% so với quý I. Ước mơ về một căn nhà an cư, lạc nghiệp đang vượt khỏi tầm với của nhiều người lao động. "Giải cứu" nhà tái định cư cũng là thêm cơ hội có nhà cho nhiều người mong nhà.
Dự án nhà ở tái định cư N01 - D17 Duy Tân, quận Cầu Giấy có một vị trí đắc địa nhưng đến nay vẫn trong cảnh hoang lạnh, sau gần 15 năm được khởi công xây dựng. Khó khăn về nguồn vốn có thể khiến dự án này tiếp tục thi công "cầm chừng" và chưa biết lúc nào sẽ về đích.
Gỡ khó nguồn vốn để những dự án nhà tái định cư đang triển khai thi công được sớm hoàn thiện là một bài toán khó. Nhưng để dự án sau khi hoàn thiện không lâm vào cảnh nhà không phòng trống hẳn khó nhân đôi, nếu nhìn từ thực trạng số lượng nhà tái định cư đang bỏ không hiện nay tại thủ đô Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.
"Giải cứu" nhà tái định cư cũng là thêm cơ hội có nhà cho nhiều người mong nhà.
Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Xây dựng nghiên cứu chuyển mục đích sử dụng căn hộ tái định cư chưa sử dụng sang nhà ở xã hội, nhằm tránh lãng phí tài nguyên, bổ sung kịp thời nguồn cung nhà ở. Tuy nhiên, để việc chuyển đổi mục đích sử dụng nhà tái định cư bỏ hoang thực sự thành 1 mũi tên trúng 2 đích, khó khăn về mặt pháp lý và trở ngại về chất lượng dự án cũng cần được tháo gỡ, bên cạnh những băn khoăn đảm bảo hiệu quả tới đúng tay người cần khi chuyển đổi.
Những tòa chung cư tái định cần phải được đánh thức, nhưng đánh thức bằng cách nào, làm thế nào để thu hút người dân về đây sinh sống hay nếu không được thì chuyển đổi mục đích và mang đến nhiều cơ hội cho những người đang thiếu nhà ra sao vẫn là một bài toán đang đi tìm lời giải hợp lý.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!