Trong Nghị định 52 cũng nêu rõ: "Nếu mạng xã hội có hoạt động dưới hình thức sàn giao dịch thương mại điện tử, người bán hàng trên đó cũng phải thực hiện nghĩa vụ thuế".
Ngoài ra, Luật Quản lý thuế năm 2006 cũng quy định bất kể doanh nghiệp hay cá nhân dù có đăng ký kinh doanh hay không, miễn có hoạt động mua bán phát sinh thu nhập đến mức chịu thuế có trách nhiệm phải thực hiện đăng ký, kê khai, nộp thuế.
Quy định là như vậy nhưng thực tế, việc thu thuế trên Facebook sẽ gặp rất nhiều vướng mắc do vẫn còn thiếu nhiều cơ sở. Đơn cử như việc làm sao để kiểm soát khi mà các giao dịch thường không có hóa đơn hay như việc người kinh doanh chỉ đăng thông tin sản phẩm và giá cả, còn giao dịch qua tin nhắn nên khó xác định được đâu là kinh doanh đâu là đăng tải thông tin. Do đó, đề xuất thu thuế kinh doanh qua Facebook hiện đang gây nhiều ý kiến khác nhau.
Để có thể truy thu thuế kinh doanh qua mạng, cơ quan chức năng cần phải xác định được nguồn thu. Điều này đang gặp khó khăn bởi tỷ lệ giao dịch không dùng tiền mặt tại Việt Nam ở mức rất thấp. Tuy nhiên, hầu như đơn vị hay cá nhân nào kinh doanh online cũng sẽ đều có tài khoản để giao dịch và đây cũng có thể được coi là cơ sở để phần nào tìm ra đáp án là phương cách thu thuế của hình thức kinh doanh online.
Bài toán này dù khó nhưng vẫn cần phải có lời giải của cơ quan quản lý. Bởi đáp án ấy không chỉ có sứ mệnh chống thất thu thuế hay tạo sự công bằng cho các đơn vị kinh doanh đóng thuế khác mà việc minh bạch thông tin các cá nhân đơn vị kinh doanh qua mạng còn đem lại quyền lợi và sự an toàn cho người tiêu dùng khi đã có rất nhiều trường hợp lừa đảo, thậm chí, tiền mất tật mang khi mua hàng qua mạng xã hội.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!