Những người mở đường xây dựng hợp tác xã kiểu mới

Trung tâm Tin tức VTV24-Thứ sáu, ngày 19/04/2019 05:35 GMT+7

VTV.vn - Linh động và sáng tạo, những người mở đường trong việc xây dựng hợp tác xã kiểu mới đang thu về quả ngọt.

Ngày 18/4, Việt Nam chính thức có lô xoài đầu tiên xuất khẩu được sang Mỹ và cũng trong ngày 18/4, tại TP.HCM diễn ra Diễn đàn Pháp lý Liên minh Hợp tác xã Quốc tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương với sự tham gia của hàng trăm đại biểu từ hơn 30 nước. Hai sự kiện nghe qua dường như không liên quan nhưng thực tế đều cho thấy hiệu quả của những mô hình hợp tác xã trong thời đại mới và tính bứt thiết tháo gỡ những nút thắt để nâng cao hiệu quả của hợp tác xã trong thời gian tới.

Theo Ban Chỉ đạo Đổi mới phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã, trong 3 năm qua, tỷ lệ hợp tác xã có hiệu quả tại Việt Nam đã tăng mạnh từ 10% lên mức hơn 40%. Tổng doanh thu các hợp tác xã mang về cũng liên tục tăng theo năm, năm 2018 ở mức gần 4.500 tỷ đồng. Nhiều mô hình hợp tác xã kiểu mới áp dụng những cách làm linh động, sáng tạo cũng được triển khai và bước đầu cho thấy những thành quả.

Ví dụ, mô hình nhà máy chế biến rau củ quả liên kết với hơn 200 hợp tác xã ở Tây Ninh để cung cấp nguyên liệu là mô hình được Liên minh Hợp tác xã cùng Viện Kinh tế nông nghiệp hữu cơ thí điểm để đẩy mạnh đưa sản phẩm của hợp tác xã vào chuỗi giá trị.

Mô hình này có sự cầm trịch của doanh nghiệp lớn giàu tiềm lực. Doanh nghiệp đầu tư đến 80 triệu USD vào các khâu chế biến, làm thị trường và đặc biệt là đầu tư một trung tâm hỗ trợ nông dân. Trung tâm có nhiệm vụ kết nối với hàng trăm hợp tác xã dựa trên nền tảng công nghệ và logictics. Thành quả 18.000 tấn thành phẩm mỗi năm xuất khẩu đi 20 thị trường như hiện nay đã đủ để doanh nghiệp tự tin nhân rộng mô hình này ra đến hàng chục tỉnh thành trong thời gian tới.

Còn bài học thành công của Đồng Tháp lại đến từ sự linh động sáng tạo trong bộ máy chính quyền. Vài năm trước, lãnh đạo tỉnh nhận thấy tính liên kết giữa các xã viên rất yếu, mối quan hệ trong hợp tác xã dễ đổ vỡ do tư duy cá nhân còn nặng nề. Do đó, tỉnh đã sáng kiến lập ra các Hội quán nông dân theo ngành nghề để gắn kết tinh thần tập thể trước. Nông dân trồng xoài có Hội quán trồng xoài, người trồng cam thì sinh hoạt trong Hội quán trồng cam. Dần dần, 68 Hội quán đã trở thành nền tảng vững chắc cho 68 hợp tác xã hoạt động hiệu quả.

Nghiên cứu trên 13 tỉnh thành Đông Nam Bộ cho thấy, các mô hình hợp tác xã kiểu mới giúp xã viên giảm chi phí đầu vào 9%, giá trị đầu ra tăng 4%. Trong khi đó, thu nhập tăng đến 30% so với những người không tham gia.

Dù có nhiều tín hiệu tích cực nhưng cần phải khẳng định, đây vẫn chưa phải là đại diện cho bức tranh chung của sự phát triển của mô hình hợp tác xã tại Việt Nam. Tại Diễn đàn Pháp lý Liên minh Hợp tác xã Quốc tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang diễn ra, lãnh đạo Chính phủ cùng hàng trăm đại biểu trong và ngoài nước đã cùng bàn luận, chỉ ra những nút thắt lớn nhất cản trở sự phát triển của mô hình hợp tác xã hiện nay.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhận định, hiện Chính phủ còn lúng túng chưa thể giải quyết ngay vướng mắc về pháp lý liên quan đến mô hình hợp tác xã. Ví dụ như quy định về giải thể các hợp tác xã kiểu cũ để chuyển sang mô hình mới. Thiếu vắng quy định về trình tự thủ tục thành lập doanh nghiệp trong hợp tác xã và mối quan hệ của doanh nghiệp này với hợp tác xã; chưa có tiêu chí kiểm toán hợp tác xã rõ ràng... Cũng chính vì rủi ro về pháp lý nên khả năng tiếp cận đất đai, vay vốn ngân hàng của hợp tác xã ở mức rất thấp, hiện chỉ 0,04% số hợp tác xã tiếp cận được tín dụng ngân hàng - theo Liên minh Hợp tác xã Việt Nam.

Dù có nhiều tiến triển nhưng hiện vẫn có hơn 50%, tương ứng hơn 10.000 hợp tác xã đang hoạt động kém hiệu quả. Khả năng quản trị, làm thị trường, kết nối với chuỗi giá trị của hợp tác xã ở mức thấp. Bên cạnh đó, số lượng hợp tác xã mới thành lập còn nhiều hạn chế, chỉ ở mức hơn 2.000 đơn vị 1 năm. Một phần vì thủ tục hành chính thành lập hợp tác xã còn phức tạp, tốn kém chi phí hơn so với doanh nghiệp.

Theo Liên minh Hợp tác xã, hiện tỷ trọng đóng góp vào GDP của hệ thống hợp tác xã Việt Nam đang giảm dần trong các năm gần đây. Năm 2018 tỷ lệ này chỉ còn khoảng 7%, thấp hơn đến 5 điểm % so với cách đó 6 năm. Mức này bằng chưa đến phân nửa so với mức bình quân của thế giới.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước