Những điểm người gửi tiết kiệm cần cân nhắc

VTV Digital-Thứ tư, ngày 09/02/2022 06:05 GMT+7

VTV.vn - Xu hướng tăng lãi suất huy động đang diễn ra ở một số ngân hàng. Mặt bằng lãi suất huy động và cho vay sẽ biến động như thế nào trong năm mới?

Chênh lệch lãi suất tiền gửi giữa các ngân hàng

Đầu năm, nhiều người dân có thói quen ra ngân hàng gửi tiền lấy may, mong 1 năm mới nhiều tài lộc. Đây cũng là thời điểm các ngân hàng dành nhiều ưu đãi cho người gửi tiền. Thực tế, lãi suất tiền gửi đã rục rịch tăng từ cuối năm vừa qua, tùy từng kỳ hạn, mức tăng dao động từ 0,2 - 0,6%/năm. Tuy nhiên, có điểm đáng lưu ý là đã có sự chênh lệch khá lớn về lãi suất giữa nhóm ngân hàng lớn và nhỏ.

Ví dụ với tiền gửi 12 tháng, lãi thấp nhất hiện nay ở các ngân hàng có vốn nhà nước là 4,8%/năm còn nhóm ngân hàng thương mại cổ phần nhỏ cao nhất tới trên 7,4%/năm, chênh lệch tới 2,6%/năm. Giả sử là gửi 100 triệu đồng ở ngân hàng lãi cao, người gửi sẽ được thêm khoảng 2,6 triệu đồng/năm. Với các khoản tiền gửi dưới 6 tháng, mức chênh lệch cũng trên 1%/năm.

Các kỳ hạn tăng lãi suất chủ yếu là 12, 13 tháng trở lên nhằm củng cố nguồn lực vốn trung dài hạn của các ngân hàng. Cá biệt, 1 số ngân hàng cũng có những cách huy động lãi suất riêng, cao hơn mặt bằng chung. Tuy nhiên, kèm theo điều kiện không hề dễ khi người gửi phải có cả trăm tỷ đồng.

Những điểm người gửi tiết kiệm cần cân nhắc - Ảnh 1.

Lãi suất tiền gửi – Những lời mời chào hấp dẫn

Không nhiều khách gửi, nhưng vẫn quảng bá lãi cao như gửi tiền kỳ hạn 13 tháng với 7,6% cho doanh nghiệp là 500 tỷ đồng. Theo các chuyên gia, chính vì người gửi tiền thường có tâm lý so sánh lãi gửi giữa các ngân hàng. Chưa kể, dòng tiền gửi năm nay còn gặp áp lực cạnh tranh với các kênh đầu tư khác như chứng khoán.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, cho biết: "Lãi suất có thể 8% hay 12% tháng đầu, sau đó đưa về lãi ở mức bình thường. Đây là giải pháp thu hút động viên, tạo ra sự hấp dẫn nhưng các ngân hàng tính toán rất kỹ để đảm bảo kinh doanh có hiệu quả".

Trong chiến lược thu hút tiền gửi, nhiều ngân hàng cũng cộng thêm lãi suất từ 0,1-0,4%/năm khi gửi tiết kiệm online hoặc cộng lãi suất, tặng quà cho nhóm khách hàng trung niên, người cao tuổi.

Tăng lãi suất huy động không gây nhiều sức ép với lãi suất cho vay

Những điểm người gửi tiết kiệm cần cân nhắc - Ảnh 2.

Lãi suất huy động tăng thường khiến không ít người nghi ngại là lãi suất cho vay sẽ tăng theo. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, xu hướng tăng lãi suất huy động đợt này sẽ không tác động quá nhiều tới mặt bằng lãi suất cho vay.

Gửi tiết kiệm chỉ là một trong những nguồn vốn đầu vào của ngân hàng thương mại. Ngân hàng còn có nguồn tiền gửi không kỳ hạn CASA rất quan trọng, để sẵn trong các tài khoản thanh toán của người dân. Với sự tăng trưởng mạnh mẽ của thanh toán không tiền mặt, lượng tiền gửi không kỳ hạn của nhiều ngân hàng cũng tăng chóng mặt, chiếm đến một nửa tổng huy động vốn. Lãi suất không kỳ hạn chỉ 0,2% đã giúp kéo giảm lãi đầu vào bình quân của các ngân hàng thương mại.

Ông Nguyễn Quốc Hùng cho biết thêm: "Lãi suất không kỳ hạn rất thấp so với có kỳ hạn nên có thể giảm lãi suất đầu vào. Tôi được biết có ngân hàng tiền gửi không kỳ hạn tăng tới 30-40%, người dân đã chuyển tiền vào ngân hàng giữ hộ".

Mức lãi suất cao cũng chủ yếu ở nhóm ngân hàng nhỏ, cần huy động vốn đáp ứng nhu cầu tín dụng tăng cao dịp Tết nguyên đán. Qua Tết, nhiều chuyên gia nhận định áp lực tăng lãi suất sẽ hạ nhiệt dần. Nếu có tăng, sẽ diễn ra vào nửa cuối năm.

Ông Trần Đức Anh, Giám đốc Kinh tế vĩ mô và Chiến lược thị trường Trung tâm Nghiên cứu của KB Securities, nhận định: "Tăng lãi suất chủ yếu ở ngân hàng vừa và nhỏ, ở ngân hàng lớn thì mức tăng không đáng kể. Kết hợp với lãi suất liên ngân hàng vẫn thấp cho thấy thanh khoản của hệ thống khá dồi dào".

Nhiều ngân hàng cũng cho biết sẽ cân đối nguồn vốn để giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ quá trình phục hồi kinh tế. Thống kê của Ngân hàng nhà nước cũng cho thấy, lãi suất cho vay đã giảm 0,8% trong năm ngoái, và định hướng các ngân hàng phải tiết giảm chi phí để giảm thêm lãi vay khoảng 0,5-1%/năm trong 2 năm tới.

Trong gói kích thích kinh tế mới đây, Quốc hội đã giao cho ngành ngân hàng triển khai hỗ trợ lãi suất 2%/năm cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh. Tổng quy mô ước tính khoảng 40.000 tỷ đồng. Các chuyên gia cũng nhận định gói kích thích này sẽ tạo sức lan tỏa, để giảm mặt bằng lãi suất cho vay. Vì thế, các ngân hàng sẽ buộc phải cân đối khi đưa ra mức lãi suất huy động để phù hợp với định hướng cho vay.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước