Năm 2024 dần khép lại, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng nền kinh tế năm 2024 đã thực sự hồi phục. Xuất nhập khẩu là điểm sáng nổi bật trong bức tranh kinh tế, khi liên tục có nhiều kỷ lục mới được xác lập.
Xuất nhập khẩu năm 2024 đạt mức kỷ lục chưa từng có trong gần 40 năm đổi mới đất nước. Theo Bộ Công Thương, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả năm nay đạt kỷ lục mới, gần 800 tỷ USD, tăng 15% so với năm trước và vượt gần 3 lần kế hoạch được giao.
Đây là "trái ngọt" có được từ sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Đảng, Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu, đến công tác phát triển thị trường. Cùng với đó là sự nỗ lực của các doanh nghiệp khi đã chủ động, linh hoạt đa dạng hoá thị trường, khắc phục khó khăn, đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu.
Kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng ở mức cao với sự phục hồi tích cực của các nhóm hàng xuất khẩu chủ lực. Đầu tiên phải kể đến là ngành nông nghiệp. Năm nay mặc dù ngành nông nghiệp phải trải qua những thiệt hại nặng nề do cơn bão số 3 gây ra nhưng bà con nông dân, các doanh nghiệp vẫn nỗ lực vượt qua những khó khăn và thách thức. Không chỉ đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia, mà xuất khẩu nông lâm thủy sản còn lập kỷ lục lịch sử.
Theo Bộ NN-PTNT, năm 2024, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản ước đạt 62,5 tỷ USD, tăng 18,7% so với năm ngoái. Đứng đầu là mặt hàng rau củ quả khi dự kiến mang về 7,2 tỷ USD. Trong đó, đóng góp phần lớn phải kể đến sản phẩm sầu riêng, khi loại trái cây "tỷ đô" này đã đạt 3,5 tỷ USD mức cao nhất trong lịch sử.
Năm 2025 Việt Nam đặt mục tiêu vào nhóm 5 nước hàng đầu thế giới về xuất khẩu mặt hàng trái cây. Đây là mục tiêu có thể đạt được khi nhiều thị trường mới đã được đàm phán mở cửa cho nhiều loại trái cây mới.
Xuất nhập khẩu năm 2024 đạt mức kỷ lục chưa từng có trong gần 40 năm đổi mới đất nước. Ảnh minh họa.
Đứng thứ hai là mặt hàng gạo. Năm 2024, Việt Nam đã đạt kỷ lục cả về sản lượng và giá trị xuất khẩu, khoảng 9 triệu tấn với gần 5,8 tỷ USD. Điều đáng bàn là so với cùng kỳ năm ngoái, khối lượng gạo xuất khẩu chỉ tăng 10,9% nhưng giá trị lại tăng mạnh 23,1%.
Nguyên nhân gạo của Việt Nam bán được giá cao, đắt đỏ nhất trong nhóm các quốc gia xuất khẩu gạo là do đã tập trung chính vào sản xuất gạo thơm, gạo chất lượng cao, phát thải thấp. Còn để phục vụ cho chế biến và tiêu dùng phân khúc bình dân trong nước thì Việt Nam lại nhập các loại gạo giá rẻ từ Ấn Độ, Pakistan.
Đứng thứ ba là mặt hàng cà phê. Năm nay ước tính kim ngạch xuất khẩu cà phê đạt khoảng 5,5 tỷ USD. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử ngành cà phê Việt Nam có kim ngạch xuất khẩu cà phê vượt mốc 5 tỷ USD trong một năm. Và đây cũng là mặt hàng nông sản có giá tăng mạnh nhất trong số các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.
Cùng với cà phê, ngành hạt điều Việt Nam cũng ghi nhận cột mốc lịch sử với kim ngạch xuất khẩu đạt 4,3 tỷ USD, tăng tăng 19 % so với năm ngoái. Duy trì vị thế quốc gia xuất khẩu điều nhân số 1 nhất thế giới trong gần 2 thập kỷ qua.
Những điểm sáng về xuất khẩu nông lâm thủy sản trong năm 2024 cho thấy ngành nông nghiệp Việt Nam có sự chuyển mình vươn lên tầm cao mới. Điều này là nhờ quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị và thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ.
Năm 2024 một năm còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng nền kinh tế Việt Nam vẫn vượt qua để về đích với nhiều con số ấn tượng về xuất nhập khẩu, thu hút đầu tư nước ngoài. Với sự xuất hiện đầu tư rót vốn của các tập đoàn lớn như Google hay Nvidia, cùng với công cuộc cải cách thủ tục hành chính, cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy, nền kinh tế Việt Nam trong thời gian tới được kỳ vọng tạo đà vững chắc tiến vào kỷ nguyên mới, như lời của Tổng Bí thư Tô Lâm.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!