Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về việc triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các giải pháp bảo đảm cung ứng điện, các bộ ngành đang nỗ lực triển khai nhiều phương án.
Theo báo cáo bộ Công Thương, tính từ đầu năm đến nay, tiêu thụ điện tăng trưởng khoảng 10,5% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó miền Bắc tăng 10,2%, miền Trung tăng 7,6% và miền Nam tăng 11,3%. Trước tình hình đó, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định điều chỉnh kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện quốc gia năm 2024, trong đó có các tháng cao điểm mùa khô.
Theo đó, nhu cầu phụ tải được điều chỉnh tăng khoảng 1,25% so với kế hoạch trước đây. Việc điều chỉnh kế hoạch này phục vụ công tác điều hành cung ứng điện và vận hành hệ thống điện quốc gia, đảm bảo tính linh hoạt, bám sát thực tiễn nhằm chủ động trong mọi tình hình.
Nhu cầu phụ tải điện được điều chỉnh tăng 1,25%. (Ảnh minh họa - Ảnh: TTXVN)
Tập đoàn Điện lực Việt Nam - EVN cho biết, trong 3 tháng đầu năm 2024, tổng sản lượng điện thương phẩm toàn hệ thống đạt trên 62,5 tỷ kWh, tăng trưởng gần 11,5% so với cùng kỳ 2023. Cùng với đó, hiện các hồ thủy điện khu vực miền Bắc có lưu lượng nước về thấp, chỉ đạt khoảng 25 - 80% trung bình nhiều năm. Do vậy, dự báo quý II và mùa nắng nóng năm nay, phụ tải điện tiếp tục tăng cao.
Ông Nguyễn Quốc Trung - Phó Giám đốc Trung tâm điều độ hệ thống Điện Quốc gia cho biết: "Quý II chúng tôi dự kiến tốc độ tăng trưởng có thể lên đến 13 - 13,5% so với năm 2023, đây là mức tăng trưởng rất cao. Các ngày đầu tháng 4, chúng tôi đã ghi nhận công suất của toàn bộ hệ thống điện quốc gia đã lên tới 44.500MW, sản lượng cũng đã lên tới 925 triệu kWh điện mỗi ngày".
Trước tình hình đó, Bộ Công Thương đã điều chỉnh phụ tải tăng thêm 1,25%, với mục tiêu là trong mọi tình huống phải đảm bảo cung ứng điện cao nhất cho hệ thống điện quốc gia. Ngoài ra, ngành điện cũng đã tính toán phụ tải để phù hợp hơn với tình hình thủy văn cũng như diễn biến của thời tiết để tránh bị động trong thời gian nắng nóng sắp tới.
"Trong thời gian vừa qua, tỷ lệ huy động của thủy điện chỉ chiếm khoảng 12%, bởi đang trong chiến lược tiết kiệm thủy điện để dự phòng cho những tháng cao điểm mùa khô. Bên cạnh đó, nhiệt điện than sẽ được huy động cao khoảng 58%, các nguồn năng lượng tái tạo như điện mặt trời, điện gió được huy động khoảng 16%, còn lại là điện tua bin khí và nhập khẩu", ông Nguyễn Thế Hữu - Phó Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực, Bộ Công Thương cho biết.
Việc sử dụng điện hiệu quả, an toàn và tiết kiệm cũng là giải pháp để người dân và doanh nghiệp đồng hành với ngành điện trong thời gian tới. Bởi theo tính toán nếu tiết kiệm 2% lượng điện năng tiêu thụ thì mỗi năm cả nước sẽ tiết kiệm được khoảng 5 tỷ kWh điện.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!