Nhu cầu nội địa và đầu tư công - Hai “trụ cột” nâng đỡ tăng trưởng năm 2023

Ban Thời sự-Thứ tư, ngày 29/03/2023 19:57 GMT+7

VTV.vn - Tiêu dùng nội địa, du lịch và đầu tư công được xác định là hai trụ cột nâng đỡ tăng trưởng năm nay. Đây cũng là hai điểm sáng trong quý I vừa qua.

Sáng 29/3, Tổng cục Thống kê vừa công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội quý I/2023. Theo đó, Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I năm nay ước tính tăng 3,32% so với cùng kỳ năm ngoái. Cụ thể: Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,52%; khu vực công nghiệp và xây dựng giảm 0,4%; khu vực dịch vụ tăng 6,79%.

Kinh tế - xã hội quý I diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới tiếp tục có nhiều biến động phức tạp và bất ổn. Lạm phát trên thế giới dù đã hạ nhiệt nhưng vẫn ở mức cao. Sự phục hồi chậm và suy giảm nhu cầu tiêu dùng của các đối tác thương mại lớn tác động mạnh đến sản xuất và tăng trưởng trong nước.

Tính chung quý I, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 154 tỷ USD, giảm 13,3%. Tuy nhiên, dưới sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, bộ ngành và địa phương cùng với với sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 4,07 tỷ USD.

Trong quý I, sản xuất một số ngành công nghiệp chủ lực suy giảm, chủ yếu rơi vào nhóm phục vụ cho xuất khẩu. Trong khi đó, dự báo tác động tiêu cực của thế giới còn kéo dài, vì thế tiêu dùng nội địa, du lịch và đầu tư công được xác định là 2 trụ cột nâng đỡ tăng trưởng năm nay. Đây cũng là 2 điểm sáng trong quý I vừa qua.

Thúc đẩy động lực tăng trưởng

Nhu cầu nội địa và đầu tư công - Hai “trụ cột” nâng đỡ tăng trưởng năm 2023 - Ảnh 1.

Tính chung quý I/2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt tăng 13,9% so với cùng kỳ năm trước. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)

Theo ghi nhận của phóng viên VTV tại một siêu thị, mặc dù người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu nên giá trị của từng giỏ hàng có giảm đi, song số lượt khách hàng tại siêu thị vẫn tăng 30% từ đầu năm đến nay.

Tính chung quý I/2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt tăng 13,9% so với cùng kỳ năm trước. Nếu so với quý I/2019 - năm trước khi xảy ra dịch COVID-19, con số này tăng 26,7%. Kết quả này phản ánh hiệu quả của chính sách kích cầu nội địa trong thời gian qua, đặc biệt là sự ổn định của mặt bằng giá cả.

Nhờ các giải pháp chủ động, điều hành giá được thực hiện đồng bộ, lạm phát được kiểm soát phù hợp so với thế giới. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) quý I tăng 4,18% so với cùng kỳ năm trước.

Cùng với tiêu dùng nội địa thì đầu tư công được đẩy mạnh ngay từ đầu năm. Vốn đầu tư công thực hiện quý I ước đạt trên 91,5 nghìn tỷ đồng, tăng 18,1% cùng kỳ năm trước. Nhiều dự án khác trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025 cũng đã xong về thủ tục, quy trình cũng sẽ góp phần đẩy nhanh tiến độ đầu tư công năm nay hơn các năm trước.

Chuẩn bị hạ tầng thu hút đầu tư

Với quyết tâm tạo động lực đột phá để phát triển kinh tế theo mục tiêu đã đề ra, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sát sao chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết số 01; Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; Chỉ thị 03 về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau Tết Nguyên đán. Các bộ, ngành, địa phương đã tập trung xây dựng kế hoạch hành động để thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng.

Bên cạnh duy trì động lực tiêu dùng nội địa và đầu tư công thì việc thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài là nguồn lực để thúc đẩy tăng trưởng và nâng cao năng lực thu hút đầu tư của Việt Nam.

Nhu cầu nội địa và đầu tư công - Hai “trụ cột” nâng đỡ tăng trưởng năm 2023 - Ảnh 2.

Tỷ lệ lấp đầy của các khu công nghiệp trên cả nước hiện nay khoảng 80%. (Ảnh minh họa - Ảnh: TTXVN)

45.000 m2 nhà xưởng của một liên doanh đầu tư Hoa Kỳ - Nhật Bản sẽ sẵn sàng đi vào hoạt động quý II năm nay. Dự án thứ hai quy mô 69.000 m2 của doanh nghiệp này cũng vừa được khởi công tại Quảng Ninh. Hai dự án thuộc sẽ mở rộng các nhà xưởng và nhà kho chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu sản xuất quy mô lớn trong lĩnh vực công nghiệp ô tô, máy bay, chip, máy tính, thiết bị di động…

Ông Peter Ryder - Tổng Giám đốc Indochina Capital cho biết: "Hai dự án đang ở vị trí chiến lược về kết nối hạ tầng, liên vùng, cùng các cảng biển trọng điểm phía Bắc. Chúng tôi đánh giá nhu cầu mở rộng nhà xưởng sẽ tăng trong quý II. Chiến lược đầu tư sẽ tập trung vào các khu vực sản xuất và logistics trọng điểm với cam kết phát triển bền vững, tối ưu hóa hiệu quả sử dụng năng lượng và nguồn nước".

Theo khảo sát của Công ty đầu tư và dịch vụ bất động sản thương mại Hoa Kỳ (CBRE), tỷ lệ lấp đầy của các khu công nghiệp trên cả nước hiện nay khoảng 80%. Hàng tỷ USD đang chờ để rót vào các lĩnh vực năng lượng xanh, logistics, hạ tầng.

Ông Gan Yee Chun - Tổng giám đốc Công ty Samtec Việt Nam cho biết: "Ngoài việc tăng thêm vốn đầu tư vào các nhà máy tại Việt Nam. Chúng tôi cũng đánh giá cao kiến thức, tay nghề kỹ thuật của họ. Vì vậy, chúng tôi sẽ đưa vào một số công nghệ tự động hóa nhẹ để tăng cường năng lực sản xuất tại địa phương".

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, quý I năm nay, số dự án đầu tư mới và số lượt dự án điều chỉnh vốn tăng so với cùng kỳ tập trung vào các địa phương có nhiều lợi thế về cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực ổn định như Bắc Giang, Đồng Nai, Bắc Ninh, TP Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Hải Phòng…

"Thường các nhà đầu tư có chất lượng cao, trình độ cao, công nghệ cao lại kỳ vọng vào các yếu tố chất lượng hạ tầng, thủ tục hành chính, nhân lực cao. Rõ ràng đó là thách thức lớn mà Việt Nam phải đáp ứng", ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng Ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho biết.

Hiện nhiều quốc gia đều có chiến lược giữ chân các nhà đầu tư... Việt Nam là nước tiếp nhận đầu tư sẽ gặp không ít thách thức. Vì vậy, nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng, nhân lực, năng lực quản trị sẽ là lợi thế đón đầu dòng đầu tư ngay khi phục hồi trở lại.

Mức tăng trưởng GDP 3,32% dù không phải là mức tăng trưởng cao nhưng là kết quả tích cực, đáng ghi nhận khi tăng trưởng kinh tế của nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới ở mức rất thấp hoặc đang suy giảm.

Từ đầu năm đến nay, Chính phủ đã ban hành nhiều nghị quyết quan trọng nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp ở nhiều lĩnh vực, trên nhiều khía cạnh. Cùng với sự nỗ lực của các cấp và sự đồng lòng của cộng đồng doanh nghiệp sẽ tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng trong những quý còn lại của năm nay.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước