Mặc dù thị trường dầu mỏ có một số thách thức nhưng bức tranh không đến nỗi tiêu cực, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ rất lạc quan về nhu cầu dầu mỏ trong cả ngắn hạn và dài hạn, Tổng thư ký Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đã khẳng định điều này tại Hội nghị dầu mỏ Adipec thường niên ở Abu Dhabi.
Một trong những căn cứ quan trọng giúp OPEC duy trì cái nhìn lạc quan về nhu cầu dầu mỏ trong ngắn hạn và trung hạn, đó dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu. OPEC tin tưởng dầu mỏ sẽ vẫn đóng vai trò là một trong những mặt hàng quan trọng nhất, nhu cầu dầu mỏ sẽ tiếp tục ở mức cao trong ngắn hạn và trung hạn, thậm chí xa hơn đến năm 2050.
Những biến động trên thị trường năng lượng có thể kéo dài sang năm 2025
Ông Haitham Al Ghais - Tổng thư ký OPEC cho biết: “Nền kinh tế đang hoạt động tốt và đó là lý do tại sao chúng tôi tin vào triển vọng hoặc dự báo của mình. Kinh tế toàn cầu tăng trưởng 2,93% nên chúng tôi rất lạc quan về nhu cầu cả trong ngắn hạn và dài hạn. Đến năm 2050, nhu cầu có thể đạt 120 triệu thùng/ngày”.
Nhu cầu tiếp tục tăng nhưng kèm theo đó là lo ngại về nguy cơ gián đoạn nguồn cung từ vùng Vịnh, nơi cung cấp khoảng 20% sản lượng dầu khí toàn cầu. Bên cạnh đó, theo các tập đoàn dầu khí lớn, những tín hiệu trái ngược từ OPEC và các nước đối tác (còn gọi là OPEC+) trong vấn đề sản lượng đang gây ra những biến động trên thị trường và cản trở việc đầu tư vào các dự án khai thác dầu khí mới.
Ông Claudio Descalzi - Giám đốc điều hành của công ty năng lượng Eni, Italy chia sẻ: “Ngay khi OPEC nói sẽ tăng thêm sản lượng, giá đã giảm ngay lập tức. Bây giờ, họ lại nói rằng chúng tôi hoãn lại cho đến cuối năm. Mọi người đều nói rằng chúng ta cần năng lượng, nhưng với tình hình bất ổn như thế này không giúp thúc đẩy dòng vốn đầu tư vào lĩnh vực dầu khí”.
Những biến động trên thị trường năng lượng có thể kéo dài sang năm 2025. Các tập đoàn dầu khí như BP và ENI cho biết, trong bối cảnh đối mặt với các thách thức từ biến động giá và căng thẳng địa chính trị phức tạp ở các khu vực sản xuất chính, điều quan trọng nhất là cần phải duy trì giá dầu ở mức có lợi để thúc đẩy nguồn cung.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!