Tờ Tuổi trẻ ghi nhận thông tin từ thị trường cho biết công ty chăn nuôi C.P Việt Nam tăng giá thịt lợn đã mổ lên 106.000 đồng/kg. Các công ty chăn nuôi lợn như C.J Đồng Nai, Japfa cũng công bố tăng giá bán lợn hơi ở mức khoảng 82.000 đồng/kg. Cũng có một số công ty chăn nuôi duy trì mức lợn hơi ở giá thấp như cam kết với Chính phủ trong một thời gian nhưng do sản lượng thấp, không làm chủ được giá bán trên thị trường nên cuối cùng giá thị trường vẫn cao, thương lái, bộ phận trung gian hưởng lợi còn người dân, muốn ăn thịt lợn thì phải đưa tay sâu hơn vào hầu bao của mình.
Trước đó, Thủ tướng đã 2 lần đề nghị các bộ, ngành có biện pháp để giảm giá thịt lợn hơi về 60.000 đồng/kg. Thậm chí, Thủ tướng còn thẳng thắn đặt vấn đề: Người chăn nuôi có hưởng không hay chỉ một bộ phận được hưởng lợi. Rõ ràng, Chính phủ quan tâm đến lợi ích của nông dân và nhìn thấy sự bất cập trong cơn sốt giá thịt lợn kéo dài nhiều tháng qua.
Báo Lao động không ngại ngần chỉ thẳng, việc các doanh nghiệp chăn nuôi lớn đang độc quyền con giống, việc khâu phân phối toàn bộ nằm trong tay thương lái đã được nói đến quá nhiều. Và giờ, đã đến lúc cần làm rõ nó đang bị chi phối, trục lợi thế nào, giật giây, thậm chí vô hiệu hóa quản lý nhà nước ra sao. Không khỏi cảm thấy xót xa khi có những người trục lợi trên bữa cơm mỗi gia đình.
Báo Thanh niên đưa tin, Thủ tướng đã yêu cầu làm rõ giá trị gia tăng từng khâu trong thịt lợn. Giá từ trang trại vào lò mổ tăng thế nào? Cũng chưa thấy chỉ mặt đặt tên ai đội giá rồi hưởng lợi bao nhiêu. Khâu bán lẻ và trung gian đang chiếm phần lớn giá thịt heo nhưng đến nay chưa nghe đề cập đến.
Giá lợn cao như vậy, doanh nghiệp lãi khủng nhưng tại sao người nông dân không dám nuôi?Câu hỏi đã được báo Lao động đặt lên làm tít của một bài viết trong tuần và trong đó, câu trả lời cũng đã được đưa ra. Đó là hiện nay, dịch tả lợn châu Phi chưa được kiểm soát, giá con giống quá cao, giá thức ăn chăn nuôi đắt đỏ, các chi phí khác đều cao... Nếu chẳng may lợn bị nhiễm dịch, người dân sẽ một lần nữa tay trắng khi dịch bệnh tả lợn châu Phi năm 2019 đã khiến nhiều hộ dân trắng tay.
Không chỉ nông dân sợ không dám nuôi mà tiểu thương cũng chẳng khá hơn. Giá thịt lợn quá đắt đã khiến người có thu nhập thấp không đủ khả năng chi tiêu, chuyển sang các thực phẩm khác, khiến thịt lợn tại các sạp ế ẩm, thua lỗ. Một số đã chán nản muốn bỏ hàng. Còn doanh nghiệp, họ chẳng sao cả, thậm chí còn lãi cao hơn bởi họ đã cách.
Báo Công an nhân dân chỉ ra cách thức, đó là thay vì bán lợn hơn nguyên con ra thị trường thì các doanh nghiệp trực tiếp thuê nhân công giết mổ hoặc đầu tư hệ thống giết mổ để cho ra thịt lợn mảnh, rồi đưa thẳng tới các chuỗi bán lẻ, chợ đầu mối. Đây là chiêu mà các doanh nghiệp lách cam kết bán ở mức 70.000 đồng/1 kg lợn hơi, đồng thời thu lợi cao hơn, từ 1 đến 1,1 triệu đồng/ 1 con 100 kg. Và đó là nguyên nhân khiến giá thịt lợn tại các chợ truyền thống, siêu thị tăng mạnh.
Doanh nghiệp cần có lời nhưng phải tính lợi nhuận bao nhiêu là hợp lý để người dân còn có cái ăn. Yêu cầu của Chính phủ rất rõ ràng nhưng khi mệnh lệnh hành chính không có tác dụng, có lẽ phải tính tới các biện pháp khác.
Báo Nông thôn ngày nay dẫn lời ông Nguyễn Tiến Thỏa – Chủ tịch Hội thẩm định giá Việt Nam cho rằng, do thịt lợn là loại hàng hóa có tác động đến chỉ số giá tiêu dùng thì Chính phủ cần điều tiết bằng các biện pháp kinh tế chứ không phải bằng mệnh lệnh hoặc chính hoặc lời kêu gọi. Tất nhiên là cần nhấn mạnh việc điều tiết hợp lý chứ không phải áp đặt bằng các biện pháp kiểm soát giá cả theo cơ chế cũ.
Trong một động thái nhằm bình ổn thị trường, vào cuối tuần này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa có công văn cho phép nhập khẩu lợn sống từ các nước vào Việt Nam. Đây là lần đầu tiên Việt Nam cho phép nhập khẩu chính ngạch lợn sống, trước mắt có thể sẽ nhập khẩu từ Thái Lan.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!