Việc giải ngân vốn đầu tư công hiện đối mặt với nhiều thách thức. (Ảnh minh họa: PLO)
Giải ngân vốn đầu tư công nguồn Ngân sách Nhà nước 8 tháng năm nay đạt gần 245.000 tỷ đồng, bằng khoảng 51% kế hoạch năm và giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2020.
Lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết có nhiều yếu tố như: giãn cách xã hội, gián đoạn vận chuyển nguyên vật liệu và thiết bị thi công, tăng giá nguyên vật liệu đầu vào... khiến giải ngân vốn đầu tư công đối mặt với nhiều thách thức.
Riêng tháng 8 vừa qua, vốn đầu tư công nguồn ngân sách Nhà nước thực hiện đã giảm hơn 7% so với tháng trước và giảm gần 25% so với cùng kỳ năm 2020.
Theo lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm nay có yếu tố mới tác động đến việc giải ngân vốn đầu tư công. Đầu tư công là hoạt động kinh tế phụ thuộc vào vấn đề vận chuyển các nguyên vật liệu, thiết bị để triển khai thi công, do vậy bị ảnh hưởng trong bối cảnh giãn cách. Đối với những địa phương thực hiện giãn cách theo nguyên tắc Chỉ thị 16, vấn đề này thể hiện rõ nhất.
Đối tượng làm việc trong các dự án đầu tư công, điển hình là các công nhân, chuyên gia, tư vấn cũng phải thực hiện chính sách giãn cách của địa phương tương ứng với tình hình dịch bệnh. Tỷ lệ các địa phương bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh nhiều hơn so với năm 2020, phải thực hiện giãn cách xã hội triệt để hơn. Do đó, việc triển khai thi công các công trình, nhất là ở các địa bàn có dịch gặp khó khăn. Công nhân phải về nhà, một số công trình triển khai "3 tại chỗ" nhưng nguyên liệu đầu vào để thi công có nhiều vướng mắc.
Đáng chú ý, so với năm 2020, năm nay, nguyên liệu đầu vào cho thi công tăng giá. Đây là yếu tố ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ, đặc biệt là tâm lý của nhà thầu khi các hợp đồng đã ký. Việc tăng giá khiến nhà thầu khó tìm nguồn cung về nguyên liệu hoặc ảnh hưởng đến phương án tài chính khi triển khai dự án.
Ngoài ra, yếu tố ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 là sự phân tán về lực lượng cũng như thời gian, vật chất trong công tác chỉ đạo điều hành. Tại các địa phương có dịch, gần như việc ưu tiên cả về thời gian và nguồn lực con người, nguồn lực vật chất dành cho công tác chống dịch. Điều này phần nào ảnh hưởng đến tiến độ đầu tư công.
Thông thường, nửa cuối năm sẽ là giai đoạn cao điểm giải ngân vốn đầu tư công. Tuy nhiên năm nay, dịch bệnh bùng phát tại nhiều địa phương, giãn cách xã hội trên diện rộng khiến quý 3 bị ảnh hưởng nhất và tình hình còn có thể khó khăn sang tận quý 4.
Do vậy, trong bối cảnh thời gian còn ít, khối lượng công việc lại quá nhiều, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết đã báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để tháo gỡ những vướng mắc như giải phóng mặt bằng, công tác chỉ đạo điều hành, thực hiện dự án tại các địa phương, nhất là trong tình hình dịch COVID-19.
Ngày 30/9 tới đây, Bộ cũng sẽ báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để xem xét các phương án bổ sung vốn, điều chuyển vốn giữa các đơn vị, trước khi trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định.
Thách thức trong giải ngân vốn đầu tư công VTV.vn - Trong 4 tháng cuối năm, việc phải hoàn thành số vốn đầu tư công còn lại đang là thách thức không nhỏ, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh và mùa mưa đang đến gần.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!