Theo số liệu từ Sở Xây Dựng, quý I năm nay, số lượng dự án mới được phê duyệt giảm đến 63% so với cùng kỳ năm 2018. Nguồn cung mới, số lượng giao dịch đều bị sụt giảm mạnh đã ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn thu từ tiền sử dụng đất cho ngân sách thành phố khi trong 2 tháng đầu năm nay đã giảm đến 76% so với cùng kỳ năm trước.
Trong quá trình lập thủ tục xin cấp phép dự án đầu tư nhà ở, nếu khu đất doanh nghiệp đang làm có phần đất như: đường nội bộ, hẻm, lối đi, đất hở, kênh mương nội đồng (gọi chung là đất công) thì buộc phải tách ra để thực hiện thủ tục đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư, doanh nghiệp không được bàn giao để làm dự án.
Vấn đề vướng mắc thứ hai trong luật là việc chênh giá đất đền bù. Theo Luật Đất đai 2013, quy định Nhà nước thu hồi, bồi thường, giải tỏa đất đối với các công trình công thì theo giá đền bù nhà nước. Trong khi đó, nếu các doanh nghiệp lấy đất kinh doanh thì tự thỏa thuận, thương lượng đền bù với dân.
Theo ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, thực tế, Luật Đất đai quy định đất cho dự án đầu tư công thì giao cho đơn vị chức năng làm, còn đất giao cho DN làm dự án thì đấu giá theo quy định. Tuy nhiên, quy định này vẫn chưa đi vào thực tiễn.
Thống kê đến nay riêng tại thị trường TP.HCM, hơn 70% dự án bất động bị vướng quy định của luật mà không thể triển khai. Hàng trăm dự án đầu tư công như hạ tầng giao thông, y tế, giáo dục vẫn chưa hoàn thành vì vướng khâu giải phóng mặt bằng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!