Nhiều tổ chức quốc tế đánh giá cao kết quả phát triển KT-XH của Việt Nam

VTV Digital-Thứ sáu, ngày 21/10/2022 09:03 GMT+7

VTV.vn - Nhiều tổ chức quốc tế đánh giá cao kết quả phát triển KT-XH của Việt Nam thời gian qua, đồng thời đưa ra triển vọng khả quan cho nền kinh tế Việt Nam trong năm tiếp theo.

Kinh tế - xã hội trong 9 tháng phục hồi tích cực

Sáng 20/10, kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV đã khai mạc trọng thể tại Nhà Quốc hội, thủ đô Hà Nội. Một trong những nội dung quan trọng là Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã báo cáo trước Quốc hội về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch năm 2023.

Báo cáo trước Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ nêu rõ tình hình kinh tế - xã hội trong 9 tháng phục hồi tích cực và đạt những kết quả quan trọng, khá toàn diện trên nhiều lĩnh vực; ước cả năm đạt và vượt 14/15 chỉ tiêu kế hoạch đề ra.

Đà phục hồi tăng trưởng 9 tháng được thể hiện rõ nét ở cả 3 khu vực kinh tế. Ước cả năm, tốc độ tăng trưởng GDP đạt khoảng 8%, vượt mục tiêu đề ra (từ 6 - 6,5%), tạo đà quan trọng cho các năm tiếp theo thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế của kế hoạch 5 năm 2021 - 2025 đã đề ra.

Nhiều tổ chức quốc tế đánh giá cao kết quả phát triển KT-XH của Việt Nam - Ảnh 1.

Tình hình kinh tế - xã hội trong 9 tháng phục hồi tích cực và đạt những kết quả quan trọng, khá toàn diện trên nhiều lĩnh vực. Ảnh minh họa.

Chính phủ cũng đặt ra 15 chỉ tiêu chủ yếu trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, trong đó tăng trưởng GDP khoảng 6,5%; chỉ số giá tiêu dùng tăng khoảng 4,5%; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân 5 - 6%.

Để thực hiện được các chỉ tiêu này, Thủ tướng báo cáo Quốc hội 12 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu. Trong đó, tiếp tục ưu tiên giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn; xây dựng, hoàn thiện thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; tăng cường chăm sóc sức khỏe nhân dân; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, tính tự chủ, khả năng thích ứng và sức chống chịu của nền kinh tế; hoàn thiện kết cấu hạ tầng chiến lược; phát triển nguồn nhân lực; phát triển văn hóa; bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân.

Nhiều tổ chức quốc tế có uy tín đánh giá cao

Trước những kết quả đã đạt trong việc phát triển kinh tế - xã hội thời gian qua, nhiều tổ chức quốc tế có uy tín đánh giá cao kết quả, đồng thời đưa ra triển vọng khả quan cho nền kinh tế Việt Nam trong năm tiếp theo.

Bà Era Dabla-Norris - Trưởng đoàn giám sát của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đánh giá: "Chính phủ Việt Nam đã làm được việc đáng ngưỡng mộ trong năm nay dù chịu tác động nặng nề của cuộc khủng hoảng do dịch COVID-19. Đó là ngay từ nửa đầu năm 2022, đã dần mở cửa trở lại nền kinh tế và ban hành những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phục hồi sản xuất, kinh doanh. Đến nửa sau của năm, Chính phủ chuyển trọng tâm, tập trung hơn vào việc giảm áp lực lạm phát. Chính sách điều hành tỉ giá hối đoái đã được thực hiện hiệu quả, quản trị được sự giảm giá của VND theo cách giảm lạm phát nhập khẩu. Đây là yếu tố rất quan trọng".

"Trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều khó khăn, lạm phát nhiều nền kinh tế tăng cao thì lạm phát tại Việt Nam vẫn được kiểm soát tốt. Bình quân 9 tháng đầu năm, CPI chỉ tăng 2,7%, mức này thấp hơn đáng kể so với hầu hết các nước OECD. Việt Nam cũng là một trong số ít quốc gia tránh được suy thoái liên quan tới COVID-19. Triển vọng tăng trưởng của Việt Nam tương đối mạnh. Điều này được thúc đẩy một phần bởi đầu tư nước ngoài, khi nhiều công ty trong khối OECD đang hướng đến Việt Nam để đa dạng hóa chuỗi cung ứng của họ", ông Yoshiki - Phó Tổng thư ký Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) nhận định.

Ông Timevans - Tổng giám đốc HSBC Việt Nam đánh giá: "Tôi cho rằng các động lực tiếp tục dẫn dắt đà tăng trưởng kinh tế Việt Nam, bao gồm thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI khi Việt Nam vẫn tiếp tục là một nước rất hấp dẫn FDI. Xuất khẩu vẫn sẽ tiếp tục tăng trưởng tích cực trong 5, 6 tháng tới. Sự gia tăng tầng lớp trung lưu, làm tăng mức tiêu dùng nội địa. Và quan trọng là những chỉ đạo, điều hành rất sát của Chính phủ. Theo tôi 4 yếu tố này góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, bất chấp những thách thức mà nền kinh tế toàn cầu phải đối mặt".

"Việt Nam không nên nhìn vào con số thu hút đầu tư mới, mà nên nhìn vào con số giải ngân đang ở mức cao và có lẽ năm nay sẽ đạt mức kỷ lục. Tôi tin rằng những doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam đang lạc quan hơn rất nhiều so với trước khi có dịch COVID-19. Việt Nam đã rất linh hoạt và chủ động trong việc vừa nỗ lực đẩy lùi COVID-19, vừa hỗ trợ hoạt động của các doanh nghiệp nên sự cam kết của các nhà đầu tư thể hiện không chỉ bằng lời nói mà đã bằng những đồng vốn thực tế đưa vào Việt Nam nhiều hơn", ông Alain Cany - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (Eurocharm) cho hay.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước