Trung Quốc là thị trường tiêu thụ nông sản lớn nhất
Kể từ khi Trung Quốc điều chỉnh các biện pháp phòng chống dịch bệnh COVID-19, xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản sang thị trường này, bắt đầu có những tín hiệu tích cực.
Trung Quốc tiếp tục là thị trường tiêu thụ lớn nhất của nông, lâm, thủy sản Việt Nam những tháng đầu năm nay, đạt 1,27 tỷ USD, chiếm hơn 20% thị phần.
Đứng thứ 2 là Hoa Kỳ, đạt gần 1,2 tỷ USD, thứ 3 là Nhật Bản với giá trị xuất khẩu đạt 563 triệu USD, thứ 4 là Hàn Quốc với giá trị xuất khẩu đạt 302 triệu USD.
Theo Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, 2 tháng đầu năm, xuất khẩu rau quả đạt 592 triệu USD. Trong đó, Trung Quốc vẫn là thị trường chính, chiếm đến gần 60% thị phần.
Xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc trong tháng 2 bắt đầu khởi sắc, đạt 122 triệu USD, tăng tới 33% so với cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên, do giảm mạnh trong tháng 1, nên tính chung trong 2 tháng đầu năm, vẫn giảm 7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nhiều rào cản khi xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc
Trong giai đoạn 2018 - 2022, thương mại thủy sản Việt Nam - Trung Quốc đã tăng trưởng mạnh nhất trong các thị trường chính. Từ vị trí số 3, Trung Quốc đã vươn lên thành thị trường nhập khẩu thủy sản lớn thứ 2 của Việt Nam sau Hoa Kỳ.
Tuy có sự tăng trưởng trở lại từ sau khi Trung Quốc mở lại các cửa khẩu, nhưng xuất khẩu thủy sản của Việt Nam vẫn đang đối mặt với nhiều rào cản. Chẳng hạn như thủy sản tươi sống chưa được xuất khẩu chính ngạch, điều này khiến các doanh nghiệp gặp không ít khó khăn khi xuất khẩu sang thị trường này.
Xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc trong tháng 2 bắt đầu khởi sắc, đạt 122 triệu USD, tăng tới 33% so với cùng kỳ năm 2022. (Ảnh minh họa - Ảnh: TTXVN)
7 sản phẩm thủy sản của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc nhiều nhất gồm tôm, cua, cá hồi, mực, cá minh thái, cá tuyết, cá tra. Trong đó, tôm là sản phẩm được Trung Quốc nhập khẩu nhiều nhất, chiếm khoảng 40%.
Đến thời điểm này, 128 sản phẩm thủy sản, 805 doanh nghiệp của Việt Nam đã được phía Trung Quốc cấp phép xuất khẩu thủy sản vào thị trường này. Tuy nhiên nhiều doanh nghiệp đang gặp vướng mắc ngay từ khâu đăng ký trên hệ thống thương mại một cửa của Tổng cục Hải quan Trung Quốc.
Hiện hầu hết thủy sản tươi sống xuất khẩu qua cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh) chưa được phép nhập khẩu chính ngạch tại Đông Hưng (Trung Quốc), mà chỉ cho nhập khẩu tại chợ Móng Cái - Đông Hưng dưới hình thức xuất khẩu cư dân biên giới.
Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho biết Việt Nam đang đàm phán nhằm đa dạng hóa các mặt hàng xuất khẩu. Hiện mặt hàng hàu sống đã cơ bản hoàn thành thủ tục, còn mặt hàng tôm ướp đá và sứa muối tiếp tục được đánh giá nguy cơ.
"Từ tháng 2, SPS Việt Nam đã phối hợp với Trung Quốc. Chúng tôi đã có công văn gửi 5 cơ quan thẩm quyền, để nghị rà soát tất cả các doanh nghiệp đã nộp hồ sơ sang hải quan Trung Quốc mà hiện nay hải quan Trung Quốc chưa phê duyệt để tổng hợp gửi hải quan Trung Quốc. Hai bên đã thống nhất nếu rà soát doanh sách này có vưóng mắc gì phía hải quan Trung Quốc sẽ tập trung tháo gỡ ngay cho phía Việt Nam", ông Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam, cho biết.
Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản cũng đề nghị cơ quan quản lý cần tích cực liên hệ với Tổng cục Hải quan Trung Quốc để bố trí họp trực tuyến nhằm trao đổi, giải đáp kịp thời các vướng mắc trong quá trình đăng ký; cùng với đó phải tổ chức tốt các vùng nguyên liệu tập trung gắn với bao gói, chế biến đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật trong xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.
Tận dụng số hóa để thúc đẩy xuất khẩu
Trước những vướng mắc về rào cản kỹ thuật các doanh nghiệp đang gặp phải, hàng loạt hội nghị xúc tiến thương mại đến các cửa khẩu hai nước đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức thời gian qua.
Mới đây nhất, tại Hội nghị "Thúc đẩy thương mại nông sản, thủy sản và sản phẩm thủy sản giữa Việt Nam - Quảng Tây (Trung Quốc)", Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Ninh và các cơ quan liên quan của Trung Quốc phối hợp tạo điều kiện để doanh nghiệp 2 nước giao thương, đặc biệt tại cặp cửa khẩu Móng Cái - Đông Hưng, nhằm đưa hàng sang Quảng Tây.
Quảng Tây là thị trường trọng điểm cho xuất khẩu nông, lâm, thủy sản chính của Việt Nam, chiếm gần 50% trong tổng giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam sang Trung Quốc.
Về xuất khẩu hàng hóa nói chung qua địa bàn tỉnh Quảng Ninh sang Quảng Tây, Trung Quốc được đánh giá là vẫn còn nhiều dư địa, chiếm 15,4% kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này.
"Sẽ bàn với bạn tổ chức các hội nghị xúc tiến tại TP Đông Hưng của Quảng Tây giáp với Móng Cái, hoặc các thành phố giáp với Lạng Sơn. Chúng tôi cũng thành lập các đoàn xúc tiến đi Vân Nam, Trung Quốc để tăng cường kết nối, tạo điều kiện cho doanh nghiệp kết nối với doanh nghiệp phía bạn có nhu cầu về xuất nhập khẩu hàng nông sản", ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho hay.
Trong 2 tháng đầu năm 2023, lượng hàng nông sản, thủy sản xuất khẩu qua Móng Cái đạt gần 120.000 tấn, tăng 22% so cùng kỳ năm ngoái.
Để thúc đẩy xuất khẩu nông sản, thủy sản Việt Nam sang thị trường Trung Quốc, công nghệ số cần được tận dụng tối đa. Trong thời gian tới, 2 nước sẽ phối hợp xây dựng "cửa khẩu số" tại cặp cửa khẩu Móng Cái - Đông Hưng để tạo điều kiện thông quan hàng hóa giữa 2 nước được thuận lợi, tiết kiệm thời gian và chi phí.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!