Hiện xuất khẩu gỗ vào thị trường Nga chiếm chưa tới 1% trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng năm của ngành gỗ, dù đây là thị trường được đánh giá rất tiềm năng với dân số 140 triệu người. Nhiều doanh nghiệp cho biết, họ đã từng làm việc, kết nối với thị trường này, nhưng những rào cản về thuế, ngôn ngữ khiến việc xúc tiến xuất khẩu gặp nhiều khó khăn. Hay như có một số doanh nghiệp đã có hàng xuất vào Nga nhưng lại qua các khâu trung gian.
Công ty gỗ Lâm Việt xuất khẩu sản phẩm gỗ sang thị trường Nga mỗi năm khoảng 30 container, trị giá 800.000 USD. Tuy nhiên, điều khiến doanh nghiệp đau đáu là tất cả sản phẩm xuất vào Nga đều phải qua khâu trung gian, là các doanh nghiệp thương mại ở châu Âu. Doanh nghiệp này cho biết: 1 sản phẩm cao cấp từ Việt Nam bán cho công ty thương mại châu Âu ở giá 320 USD, sau đó, công ty thương mại này phân phối lại cho thị trường Nga và giá bán ở nước này là hơn 3.000 USD, gấp gần 10 lần so với giá ban đầu từ phía Việt Nam.
Ông Nguyễn Liêm - Tổng Giám đốc Công ty gỗ Lâm Việt nói: “Rất tiếc là các DN chế biến gỗ Việt Nam và các nhà phân phối Nga chưa ngồi lại được với nhau. Các DN Việt biết giá thị trường Nga rất tốt nhưng chưa tiếp cận được mà phải thông qua công ty thương mại, điều này làm cho lợi nhuận của ngành gỗ bị giảm”.
Ngoài rào cản ngôn ngữ, cách tính thuế nhập khẩu vào thị trường Nga là nguyên nhân chính khiến các doanh nghiệp Việt nản lòng. Thuế suất nhập khẩu vào Nga được tính bình quân theo khối lượng, có những lô hàng mức thuế được tính ra có khi bằng 100% giá trị. So với các thị trường châu Âu và Mỹ, thuế suất nhập khẩu vào các thị trường này hiện bằng 0.
Ông Nguyễn Thanh Bình - Giám đốc Công ty gỗ Nguyễn Thanh cho biết: “Họ không tính theo sản phẩm mà tính bằng kg (tương đương với giá trị hàng FOB, nghĩa là coi như 100% giá trị)”.
Với những rào cản như trên, hiện xuất khẩu gỗ của Việt Nam vào Nga rất ít. Nếu có mặt hàng gỗ nào xuất hiện trên thị trường này, mang đích danh "Made in Vietnam", thì cũng chỉ là nơi sản xuất mà khách hàng Nga biết đến, còn lợi nhuận đang rơi vào tay các công ty thương mại trung gian ở các nước thứ ba.
Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam.