Nhiều “ông lớn” nước ngoài đổ vốn mở rộng mặt bằng bán lẻ ở Việt Nam

Chu Bình-Chủ nhật, ngày 30/10/2022 06:05 GMT+7

VTV.vn - Nhiều ông lớn bán lẻ nước ngoài đang tích cực đổ vốn vào Việt Nam để mở rộng quy mô, thu hút người tiêu dùng.

Sau COVID-19, khi tiêu dùng sôi động trở lại, thị trường bán lẻ Việt Nam được nhận xét là có tiềm năng vượt trội.

Việt Nam đang được các ông lớn trong ngành bán lẻ lớn trong và ngoài nước đánh giá là thị trường có tốc độ tăng trưởng nhanh, kèm theo đó là sức mua tốt và thói quen mua hàng của người tiêu dùng có nhiều sự khác biệt, đặc thù dựa trên văn hóa, phong cách của người tiêu dùng Việt. Chính vì điều này, các doanh nghiệp bán lẻ, hệ thống bán lẻ hàng đầu cả trong và ngoài nước vẫn luôn tìm kiếm cơ hội tiến vào Việt Nam để mở rộng quy mô, tăng doanh thu bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ.

"Tôi vừa đọc báo thấy bảo một đại gia thời trang Nhật sắp tới sẽ khai trương thêm chi nhánh thứ 15 tại Hà Nội. Mặt bằng này dự kiến rộng 2.000 m2, trải dài 3 tầng và tọa lạc tại một vị trí đắc địa, sôi động nhất Thủ đô", một tài khoản mạng xã hội cho biết.

Nhiều “ông lớn” nước ngoài đổ vốn mở rộng mặt bằng bán lẻ ở Việt Nam - Ảnh 1.

Các doanh nghiệp bán lẻ, hệ thống bán lẻ hàng đầu cả trong và ngoài nước luôn tìm kiếm cơ hội tiến vào Việt Nam để mở rộng quy mô. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)

"Một ông lớn trong ngành bán lẻ của Thái Lan sắp tới cũng dự kiến chi gần 800 triệu USD để mở rộng quy mô gấp đôi tại Việt Nam", một tài khoản khác cho hay.

"Một tập đoàn đến từ Hàn Quốc cũng đang đầu tư và muốn xây trung tâm thương mại thu hút 10 triệu lượt khách mỗi năm", một tài khoản khác chia sẻ.

Theo báo cáo do Colliers vừa công bố, quý 3, thị trường mặt bằng bán lẻ tại TP Hồ Chí Minh cũng sôi động hơn. Giá thuê trung bình khu vực trung tâm khoảng 140 USD/m2/tháng và có thể đạt trên 300 USD/m2/tháng tại các vị trí "vàng". Tỷ lệ trống trung bình đang giảm đáng kể, với khu vực trung tâm ghi nhận ở mức 1 - 2% và khu vực ngoài trung tâm 20 - 30%. Tương tự tại Hà Nội, tỷ lệ trống trung bình là 3 - 5% tại trung tâm và ngoại ô khoảng 20 - 25%.

"Không muốn chậm chân, các ông lớn nội địa cũng tham gia cuộc đua mở rộng mặt bằng bán lẻ như các chuỗi siêu thị dự kiến cũng sẽ ra mắt tại TP Hồ Chí Minh thời gian tới", một tài khoản mạng xã hội thông tin.

"Theo tôi, một trong những yếu tố mang đến sự hấp dẫn của thị trường bán lẻ Việt Nam là nhu cầu tiêu dùng nội địa phát triển mạnh, nhất là sau dịch COVID-19, nhu cầu mua sắm trực tiếp lại sôi động bên cạnh thói quen tiêu dùng online", một tài khoản khác đánh giá.

"Tôi thấy xu hướng mua sắm online kết hợp offline lại của thời gian trước dịch lại trở lại, nên chắc vì thế mặt bằng bán lẻ cho thuê lại sôi động trở lại chăng", một tài khoản mạng khác bình luận.

Cũng theo Colliers, từ đầu năm đến nay, Việt Nam đang ghi nhận những tín hiệu tích cực về kinh tế nói chung và thị trường bán lẻ nói riêng. Một số tổ chức quốc tế đã nâng dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ cao hơn so với đầu năm, do đó đã tạo tín hiệu khả quan thu hút các thương hiệu bán lẻ lớn tham gia ngày một nhiều vào thị trường bán lẻ Việt Nam.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước