Nhiều nước nguy cơ vỡ nợ vì FED tăng lãi suất

PV-Thứ sáu, ngày 06/05/2022 15:46 GMT+7

(Ảnh minh họa - Ảnh: brookings.edu)

VTV.vn - Giá dầu và thực phẩm tăng cao cùng xu hướng thắt chặt chính sách tiền tệ của FED có thể đẩy các nước ở thế giới thứ ba vào cảnh vỡ nợ.

Trong cuộc phỏng vấn mới đây với hãng tin Tân Hoa Xã, ông Michael Hudson, giáo sư kinh tế học của đại học University of Missouri ở Thành phố Kansas (Mỹ), đồng thời là Chủ tịch Viện nghiên cứu các xu hướng dài hạn (ISLET), cho rằng xu hướng thắt chặt chính sách tiền tệ hiện tại của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), cũng như tình hình giá dầu và thực phẩm tăng cao, có thể đẩy các nước ở thế giới thứ ba vào cảnh vỡ nợ và phải bán tài sản công cho các nhà đầu tư Mỹ.

Ông Hudson cho biết cán cân thanh toán của các nước châu Phi và Mỹ Latinh sắp rơi vào trạng thái thâm hụt do các dòng vốn đầu tư tháo chạy, cũng như giá dầu, thực phẩm tăng cao, nợ nước ngoài ngày càng nhiều.

Cũng theo vị chuyên gia này, các nước đang phát triển có cán cân thanh toán ngày càng xấu đi có thể buộc phải bán lại các tài sản ở khu vực công, như cơ sở hạ tầng, các nguồn tài nguyên khoáng sản, đất đai… để có được các khoản vay từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).

Bên cạnh đó, ông Hudson còn nhấn mạnh sự chênh lệch giàu nghèo đang gia tăng tại Mỹ. Ông cho biết kể từ năm 2008, tiêu chuẩn sống tại Mỹ đã đi xuống và gần như toàn bộ sự tăng trưởng trong Tổng sản phẩm quốc dân (GNP) và tài sản đều "đổ" về 1% dân số, tình hình này sẽ còn gia tăng.

Theo ông, chương trình kích thích kinh tế trị giá hàng nghìn tỷ USD từ khi dịch COVID-19 bùng phát đã đem lại lợi ích nhiều hơn cho 1% dân số Mỹ, các công ty độc quyền, ngành bất động sản và các công ty vốn tư nhân.

Trước đó, ngày 4/5 (theo giờ Mỹ), Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã quyết định tăng lãi suất cơ bản thêm 0,5 điểm %, nhằm ứng phó với tỷ lệ lạm phát đang ở mức cao nhất trong vòng 40 năm qua. Động thái này cũng đánh dấu bước nâng lãi suất mạnh nhất trong vòng 22 năm qua của FED.

Cụ thể, Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC), cơ quan hoạch định chính sách của FED đã tăng lãi suất thêm 0,5 điểm % lên phạm vi mục tiêu 0,75% đến 1%. 

"Lạm phát đang quá cao và chúng tôi hiểu những khó khăn do lạm phát gây ra. Vì vậy, chúng tôi đang hành động khẩn trương để kìm hãm lạm phát", Chủ tịch FED Jerome Powell nhận định trong phiên họp báo sau cuộc họp.

Cùng với động thái nâng lãi suất, FED còn báo hiệu sẽ giảm bớt quy mô của bảng cân đối kế toán hiện ở mức 9.000 tỷ USD. Các kế hoạch được công bố cho thấy, quá trình giảm quy mô của bảng cân đối kế toán sẽ diễn ra qua nhiều giai đoạn, theo đó mỗi tháng, FED sẽ cho phép một lượng trái phiếu đến hạn mà không tái đầu tư.

Tác động của việc FED tăng lãi suất đến túi tiền người dân? Tác động của việc FED tăng lãi suất đến túi tiền người dân?

VTV.vn - Việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất mạnh nhất trong 2 thập kỉ này có ý nghĩa gì với thị trường và có hay không khả năng xảy ra suy thoái kinh tế?


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước