"Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống" - đúc kết này của ông bà ta cho thấy giống là yếu tố quyết định năng suất, chất lượng trong sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, tại ĐBSCL, nhiều nông dân đang phải đánh cược với vụ mùa của mình bởi chất lượng giống cây trồng bị thả nổi. Mới đây, hàng chục nhà vườn trồng hoa Tết tại huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre "dở khóc dở cười" vì mua phải giống kém chất lượng. Hàng trăm triệu đồng đầu tư cũng vì thế mất trắng.
Theo thống kê của Phòng NN&PTNT huyện Chợ Lách, toàn huyện có 149.000 giỏ cúc mâm xôi, chiếm 10% diện tích bị chậm phân nhánh, phân hóa mầm hoa, tập trung chủ yếu tại xã Long Thới. Hiện tại, các giỏ cúc đã trồng được 4 tháng, cây vẫn xanh tốt, nhưng chậm phân nhánh và tạo mầm. Tất cả diện tích trên đều được mua của một nhà vườn trên địa bàn. Không có cơ sở khoa học. Bà con mua giống chỉ dựa vào kinh nghiệm sản xuất thành công từ vụ trước.
Hiện 70 hộ dân, một số nhổ bỏ lấy chậu trồng vạn thọ, số khác cố gắng sử dụng các loại phân thuốc kích hoa với hi vọng cứu vãn được phần nào. Địa phương đã mời các chuyên gia từ Đại học Cần Thơ tư vấn, hỗ trợ người dân xử lí. Tuy nhiên, đối với những diện tích khó phục hồi, ngành nông nghiệp khuyến cáo bà con nên mạnh dạn loại bỏ, chuyển sang đầu tư các giống hoa ngắn ngày.
Các giỏ cúc đã trồng được 4 tháng, cây vẫn xanh tốt, nhưng chậm phân nhánh và tạo mầm.
Mất lợi thế vì thiếu cây giống chất lượng
Năm ngoái, ĐBSCL có hơn 1.600 tổ chức và cá nhân tham gia sản xuất, buôn bán giống cây trồng. Tuy nhiên chỉ có 900 cơ sở đăng kí quản lí, còn lại hoạt động tự do.
Việc tồn tại quá nhiều cơ sở kinh doanh giống cây mà không tuân thủ sự quản lí của cơ quan chuyên ngành đã làm giảm sự đồng bộ và chất lượng sản phẩm. Cây sầu riêng là 1 ví dụ.
Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho rằng, nếu so về vị trí địa lí thì Việt Nam có nhiều lợi thế hơn Thái Lan hay Malaysia trong việc xuất khẩu sầu riêng. Chẳng hạn để đến được các chợ của Trung Quốc, Thái Lan mất thời gian vận chuyển từ 8 - 10 ngày, trong khi Việt Nam chỉ khoảng 1,5 ngày. Tuy nhiên, lợi thế này không là tất cả.
Ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết: "Chúng ta thua nhau là giống, hiện nay Trung Quốc quen ăn Monthong của Thái Lan hay Muasa king của Malaysia, do vậy sầu riêng của ta dù rẻ nhưng tiêu thụ ít và giá cũng thấp hơn".
Việc tồn tại quá nhiều cơ sở kinh doanh giống cây mà không tuân thủ sự quản lí của cơ quan chuyên ngành đã làm giảm sự đồng bộ và chất lượng sản phẩm. Cây sầu riêng là 1 ví dụ. Ảnh minh họa.
Thương hiệu là một chuyện, còn chuyện quan trọng khác là chúng ta chưa thực sự làm tốt công tác giống, chưa có những giống cây ăn trái chất lượng. Đó cũng là lý do khiến nhiều loại trái cây như xoài, nhãn yếu thế trước sự cạnh tranh của các nước xuất khẩu khác.
Báo cáo cách đây không lâu của Cục Trồng trọt cho thấy, số lượng cây đầu dòng - tức cây có năng suất, chất lượng cao và ổn định của các tỉnh phía Nam chỉ khoảng 700 cây; trong khi nhu cầu thực tế mỗi năm của cả nước lên đến 250 triệu cây giống.
Năm 2022, qua kiểm tra 5 đơn vị sản xuất giống và 201 đơn vị kinh doanh giống cây ăn quả, chỉ có 18 đơn vị kinh doanh giống bảo đảm yêu cầu theo qui định.
Như vậy, có tới 91% số cơ sở không đạt yêu cầu với những lỗi như thiếu giấy phép kinh doanh, không đủ giấy tờ chứng minh nguồn gốc cây giống hoặc giống chưa được lưu hành. Điều này đang gióng lên hồi chuông báo động về sự phát triển bền vững của ngành hàng trái cây tại ĐBSCL.
Giải pháp nâng cao hiệu quả cây giống
Thương hiệu trái cây cần được xây dựng trên nền tảng chất lượng. Điều này cho thấy tầm quan trọng của công tác sản xuất cây giống. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đã đến lúc đưa ra những biện pháp kiên quyết hơn nhằm giúp ngành hàng tỉ đô phát triển bền vững trong thời gian tới.
Ông Huỳnh Quang Đức - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre cho biết: "Chú trọng công nghệ sinh học vào sản xuất giống, tạo điều kiện gắn kết thông qua hợp tác xã, liên kết với các tỉnh, các địa phương.".
"Có biện pháp làm sao giống đưa ra trồng phải có kiểm soát như dán tem kiểm định, quản lí phù hợp, để người dân và doanh nghiệp trồng đảm bảo an toàn", ông Trần Hữu Hậu - Giám đốc Công ty TNHH Thanh long Hoàng Hậu cho hay.
Ông Hoàng Trung - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông tin: "Công tác nghiên cứu là một trong các vấn đề Bộ rất quan tâm. Bộ đã có hẳn một chương trình về nghiên cứu, phát triển các giống cây trồng nói chung và giống cây ăn quả. Chúng tôi sẽ tăng cường hoàn thiện các tiêu chuẩn Việt Nam cũng như qui chuẩn, đây là công cụ giúp các cơ quan Nhà nước đưa ra các quyết định lưu hành giống theo qui định".
Nhà vườn tất bật chuẩn bị trái cây Tết VTV.vn - Chỉ còn khoảng 3 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán. Thời điểm này, các nhà vườn tại vùng Đồng bằng Sông Cửu Long đang tất bật chăm sóc vườn cây ăn trái.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!