Nhiều người lao động bám trụ lại TP Hồ Chí Minh, tìm cơ hội mới

Nguyễn Hương-Thứ năm, ngày 14/10/2021 15:32 GMT+7

VTV.vn - Bên cạnh hình ảnh dòng người rời thành phố về quê, nhiều người lao động chọn ở lại TP Hồ Chí Minh, tiếp tục làm việc khi các DN hoạt động trở lại hoặc tìm công việc mới.

Sau hơn 4 tháng siết chặt giãn cách, TP Hồ Chí Minh đã từng bước mở cửa để phục hồi kinh tế. Đây cũng là lúc TP Hồ Chí Minh triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ lao động tìm việc.

Gửi con nhỏ dưới quê, một mình lên TP Hồ Chí Minh làm việc, dịch bệnh bùng phát, công ty tạm ngưng hoạt động, chị Mến (tỉnh Vĩnh Long) rơi vào cảnh thất nghiệp. Suốt 4 tháng qua, nhờ các chính sách hỗ trợ của chính quyền, của doanh nghiệp cũng giúp chị Mến phần nào trang trải cuộc sống.

"Ở dưới quê không có việc. Đồng ruộng thì 3 mùa mới làm 1 lần. Nếu công ty không có việc làm thì mình kiếm việc khác mình làm", chị Thạch Thị Mến chia sẻ.

Cũng như chị Mến, nhiều lao động trẻ tại TP Hồ Chí Minh rơi vào cảnh mất việc làm khi công ty cắt giảm nhân sự hay tạm đóng cửa, nhưng họ vẫn lạc quan vào khả năng hồi phục nền kinh tế.

"Về địa phương lại tạo thêm gánh nặng cho địa phương. TP Hồ Chí Minh là nơi mọi người có thể tới và tìm kiếm cơ hội mới cho mình. Em mong muốn sau đợt dịch này, TP Hồ Chí Minh sẽ nhanh chóng phục hồi lại nền kinh tế cũng như mở cửa trở lại, như vậy những lao động trẻ như em sẽ có cơ hội tìm kiếm công việc mới", chị Lê Thị Hòa Như (tỉnh Quảng Bình) bày tỏ.

Nhiều người lao động bám trụ lại TP Hồ Chí Minh, tìm cơ hội mới - Ảnh 1.

Kể từ khi TP Hồ Chí Minh thống nhất phương án đi lại giữa các tỉnh lân cận, nhiều lao động ngoại tỉnh đã bắt đầu quay trở lại thành phố làm việc. (Ảnh minh họa - Ảnh: PLO)

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh cho biết, trong quý 4, các doanh nghiệp cần tuyển khoảng 6.000 lao động làm việc. Sở đang khẩn trương tập hợp "dữ liệu xanh", thu thập thông tin người lao động ở lại thành phố, lao động đã trở về địa phương. Các trung tâm giới thiệu việc làm sẽ kết nối với doanh nghiệp, trực tiếp liên lạc, mời gọi, thỏa thuận lao động.

"Triển khai rất nhiều chương trình, hoạt động để kết nối doanh nghiệp với người lao động như: Ngày hội kết nối việc làm, chương trình cho thanh niên nông thôn, việc làm thời vụ Tết... Trao đổi với doanh nghiệp, nếu doanh nghiệp hỗ trợ lao động trở lại làm việc thì trung tâm sẵn sàng kết nối", bà Nguyễn Thị Thanh Thảo, Trưởng phòng Dịch vụ việc làm, Trung tâm Dịch vụ Việc làm Thanh niên TP Hồ Chí Minh, cho biết.

"Thu hút lực lượng lao động đợt này là 4 ngành nghề trọng điểm: điện, điện tử, cơ khí chế tạo, chế biến lương thực thực phẩm và 9 ngành dịch vụ, sử dụng những lao động tay nghề cao, bớt lao động giản đơn", ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh, cho hay.

Không chỉ vậy, kể từ khi TP Hồ Chí Minh thống nhất phương án đi lại giữa các tỉnh lân cận, nhiều lao động ngoại tỉnh đã bắt đầu quay trở lại thành phố làm việc, bổ sung lực lượng lao động thiếu hụt tại các nhà máy. Ước tính đến nay, khoảng 34.000 lao động ngoại tỉnh đã quay lại thành phố.

Giải pháp bù đắp thiếu hụt lao động hậu dịch COVID-19 Giải pháp bù đắp thiếu hụt lao động hậu dịch COVID-19

VTV.vn - Đợt dịch lần thứ 4 đã tạo ra một cuộc dịch chuyển lớn trên thị trường lao động. Nhiều giải pháp để bù đắp thiếu hụt lao động trước mắt đang được các doanh nghiệp tính đến.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước