Nhiều ngân hàng vẫn huy động lãi suất trên 9%/năm cho kỳ hạn 12 tháng

TTXVN-Thứ tư, ngày 08/03/2023 18:19 GMT+7

VTV.vn - Lãi suất kỳ hạn 12 tháng tại các ngân hàng hầu hết đã xuống dưới mức 9%/năm. Tính đến sáng ngày 8/3, vẫn còn một số ngân hàng niêm yết lãi suất huy động cao hơn mức này.

Cụ thể, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) đang dẫn đầu mức lãi suất kỳ hạn 12 tháng với 9,5%/năm. Tiếp sau đó là Ngân hàng TMCP Đông Á (DongABank), Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (VietBank) và Ngân hàng TMCP Kiên Long (Kienlongbank) đang huy động với lãi suất 9,2%/năm. Tại Ngân hàng Thương mại TNHH MTV Đại Dương (Oceanbank), lãi suất kỳ hạn 12 tháng cũng giữ ở mức 9%/năm.

Với mức giảm phổ biến là 0,5%/năm kể từ ngày 6/3 vừa qua, nhiều ngân hàng trước đây thường dẫn đầu danh sách lãi suất huy động cho kỳ hạn 12 tháng thì nay cũng đã giảm còn khoảng 8,5-8,9%/năm như tại Ngân hàng TMCP Quốc dân (NCB), Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), Ngân hàng TMCP Bảo Việt (BaoVietBank), Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công Thương (Saigonbank), Ngân hàng TMCP Bắc Á (BacABank)...

Với kỳ hạn 9 tháng, Kienlongbank đang niêm yết lãi suất tại quầy là 9,1%/năm; VietBank sau khi điều chỉnh cũng giảm từ 9,3%/năm xuống mức tương tự. Lãi suất kỳ hạn 9 tháng tại Oceanbank và Saigonbank áp dụng là 8,8%/năm; tại DongABank và BacABank là 8,6%/năm; tại BaoVietBank 8,5%/năm...

Tương tự với kỳ hạn 6 tháng, lãi suất huy động tại VietBank và Kienlongbank cùng niêm yết ở mức 9%/năm; Oceanbank và Saigonbank lần lượt là 8,8%/năm và 8,7%/năm; BacABank và DongABank lần lượt là 8,6%/năm và 8,55%/năm.

Ngoài ra, một số ngân hàng đang huy động lãi suất trên 8%/năm cho kỳ hạn từ 6 đến dưới 12 tháng còn có NCB, BaoVietBank, VPBank, Ngân hàng TMCP Việt Á (VietABank)...

Còn tại 4 ngân hàng lớn Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank), lãi suất đồng loạt niêm yết ở mức 7,2%/năm cho kỳ hạn từ 12 tháng trở lên và 5,8%/năm cho kỳ hạn 6-9 tháng; riêng BIDV niêm yết lãi suất nhỉnh hơn cho kỳ hạn 9 tháng là 5,9%/năm. Đây cũng là mức huy động thấp nhất trong toàn hệ thống tại thời điểm này.

Trong khi đó, lãi suất kỳ hạn dài trên 12 tháng tại nhiều ngân hàng thương mại vẫn đang ở mức khá cao khi có 20/35 ngân hàng được khảo sát niêm yết lãi suất cao nhất từ 9%/năm, thậm chí có ngân hàng còn cận kề 10%/năm.

Cụ thể, khách hàng gửi tiền tại DongABank có thể được áp dụng lãi suất tới 9,9%/năm cho kỳ hạn 13 tháng nhưng điều kiện là số tiền gửi phải từ 500 tỷ đồng trở lên.

Các ngân hàng SCB, Ngân hàng TMCP Bản Việt (Viet Capital Bank), Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB), Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB), Ngân hàng TMCP Phát triển TP Hồ Chí Minh (HDBank) và Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) cũng niêm yết lãi suất cao nhất là 9,5%/năm, chủ yếu dành cho hình thức gửi tiền trực tuyến hoặc đính kèm điều kiện về số dư tối thiểu từ 50 - 100 - 300 tỷ đồng...

Nhiều ngân hàng vẫn huy động lãi suất trên 9%/năm cho kỳ hạn 12 tháng  - Ảnh 1.

Nhiều ngân hàng vẫn huy động lãi suất trên 9%/năm cho kỳ hạn 12 tháng. Ảnh minh họa.

Trước đó, ngày 6/3, Ngân hàng Nhà nước cho biết, các ngân hàng thương mại đã đồng thuận giảm lãi suất tiền gửi từ 0,2%/năm đến 0,5%/năm so với mức lãi suất của từng ngân hàng tính từ ngày 27/2/2023 đối với nhóm kỳ hạn từ 6 đến 12 tháng. Việc đồng thuận giảm lãi suất tiền gửi sẽ giúp các ngân hàng thương mại giảm chi phí, qua đó có điều kiện để giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế, nhất là đối với các lĩnh vực ưu tiên.

Theo bà Nguyễn Thị Hồng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, lãi suất trên thị trường đã có xu hướng giảm. Lãi suất cho vay bình quân phát sinh mới giảm 0,43%/năm và đã có 22 ngân hàng thương mại giảm lãi suất cho vay bình quân.

Thực tế, nhiều ngân hàng đã đưa ra các gói tín dụng lớn với ưu đãi lãi suất dành cho khách hàng. Mới đây nhất, Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) công bố giảm 1,5-2%/năm mức lãi suất cho vay tập trung cho sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực xuất nhập khẩu, nông nghiệp.

Hay như tại VPBank, một gói tín dụng quy mô 7.000 tỷ đồng với lãi suất giảm từ 0,5-1,5%/năm cũng được triển khai để hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa, và doanh nghiệp siêu nhỏ.

Trước đó, BIDV, Vietcombank, VietinBank, Agribank, Viet Capital Bank, OCB, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), Ngân hàng TMCP Quân đội (MB), Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank)... đã tung ra các gói tín dụng có quy mô từ hàng nghìn đến hàng trăm nghìn tỷ đồng với lãi suất ưu đãi, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực, bao gồm cả kinh doanh bất động sản.

Theo một lãnh đạo ngân hàng, lãi suất huy động tăng cao kéo theo lãi suất cho vay phải tăng tương ứng. Điều này đã phần nào khiến người dân và doanh nghiệp khó vay mới, nhu cầu tín dụng giảm, doanh nghiệp vay vốn bị gia tăng chi phí đầu vào, giảm sức cạnh tranh, rủi ro không trả được nợ lớn. Từ đó, ngân hàng cũng đối mặt với rủi ro cao về nợ xấu và an toàn hệ thống. Bởi vậy vị lãnh đạo này cho rằng, trước một số tín hiệu thuận lợi, mặt bằng lãi suất huy động và cho vay có khả năng sẽ sớm hạ nhiệt để đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế một cách hợp lý.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng mặt bằng lãi suất trong nước cần tiếp tục giảm xuống, để làm sao với mức kiểm soát lạm phát là 4% thì lãi suất huy động chỉ khoảng 6%, từ đó lãi suất cho vay ở khoảng 9% là phù hợp với khả năng trả nợ của người đi vay.

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng khẳng định thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến kinh tế vĩ mô thế giới, trong nước, điều hành linh hoạt, đồng bộ các giải pháp để ổn định tỷ giá, thị trường tiền tệ, ngoại hối, phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay, tăng cường tháo gỡ khó khăn tiếp cận vốn tín dụng.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước