Bị hỏng vỏ hộp nên phải bán với giá siêu ưu đãi khoảng 200 ngàn đồng cho 1 chai nước hoa nhãn hiệu nổi tiếng thế giới là lý do mà nhiều trang Facebook đưa ra. Điểm chung là họ đều đưa ra cách quét mã vạch để khẳng định sản phẩm của mình là hàng thật, thế nhưng, theo đại diện của ứng dụng quét mã vạch iCheck, việc này không có giá trị.
"Mã vạch chỉ là nơi để truy xuất thông tin về sản phẩm, nó không có ý nghĩa phân biệt sản phẩm đó là thật hay giả. Mã vạch là 1 thứ rất dễ làm. Bất cứ ai có nhu cầu làm giả, họ có thể ra bất cứ đơn vị in ấn nào để làm giả mã vạch rồi đính lên chính sản phẩm giả đó. Do đó, việc quét mã vạch sản phẩm để phân biệt được thật giả là không có cơ sở", ông Nguyễn Hải Đăng, Trưởng phòng Kinh doanh, phụ trách iCheck khu vực phía Nam, nhận định.
Theo Tổng cục Quản lý thị trường, hiện nay việc kiểm soát, định danh tài khoản người bán, đăng tải chào bán, chào mua của các sàn thương mại điện tử chưa chặt chẽ, là kẽ hở để hàng hóa vi phạm bán công khai, ảnh hưởng đến người tiêu dùng, Trong khi đó, quy định về mức phạt đối với doanh nghiệp có hàng hóa có dấu hiệu hàng giả chưa đủ sức răn đe, theo Luật thương mại hiện nay chỉ không quá 8% phần giá trị bị vi phạm.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!