Nhật Bản vừa ký kết tham gia dự án trị giá 338 triệu USD nhằm phát triển công nghệ sản xuất chất bán dẫn tại nước này, phối hợp với nhà sản xuất chip hàng đầu thế giới TSMC đến từ Đài Loan (Trung Quốc).
Các doanh nghiệp Nhật Bản sẽ hợp tác với TSMC để sản xuất chất bán dẫn. (Ảnh: Reuters)
Khoảng 20 công ty của Nhật Bản sẽ phối hợp với TSMC trong dự án này. Dự án trị giá 37 tỷ Yen, trong đó Chính phủ Nhật Bản sẽ đóng góp khoảng 19 tỷ Yen (173 triệu USD).
TSMC là công ty sở hữu những nhà máy sản xuất chip lớn nhất và hiện đại nhất trên thế giới. Dự án hợp tác với TSMC được kỳ vọng sẽ giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của Nhật Bản trong lĩnh vực quan trọng này.
Chính phủ Nhật Bản đang nỗ lực cải thiện khả năng cạnh tranh của các công ty nội địa trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển các chất bán dẫn vốn rất cần thiết cho các mạng lưới viễn thông thế hệ mới và sản xuất xe tự hành.
Hoạt động nghiên cứu sẽ tập trung đặc biệt vào công nghệ lắp ráp chip 3D, giúp tạo ra những bộ phận nhiều chi tiết hơn nhưng kích thước vẫn nhỏ gọn.
Các cơ sở hạ tầng phục vụ nghiên cứu sẽ được khởi công xây dựng trong mùa hè này tại Viện khoa học và công nghệ công nghiệp tiên tiến quốc gia Nhật bản ở Tsubuka, gần thủ đô Tokyo.
Dự án sẽ chính thức được triển khai trong năm 2022. Trong số các công ty Nhật Bản tham gia dự án có các công ty hóa chất như Asahi Kasei, Mitsui Chemicals và Sumitomo Chemical.
Chất bán dẫn là một bộ phận quan trọng trong các thiết bị điện tử hiện đại như điện thoại thông minh, điều khiển điện tử và xe ô tô.
Hiện nguồn cung chip toàn cầu đang thiếu hụt nghiêm trọng, ảnh hưởng tới nhiều ngành sản xuất, đặc biệt là sản xuất ô tô. Dự báo nguồn cung chip toàn cầu có thể còn thiếu hụt tới năm 2023.
Nguồn cung chip trở nên khan hiếm do nhu cầu các thiết bị điện tử trong nhà sử dụng chất bán dẫn tăng vọt khi các biện pháp giãn cách xã hội trong thời gian đại dịch COVID-19 khiến người dân phải ở nhà nhiều hơn.
Hồi đầu tháng 5, Hàn Quốc đã công bố kế hoạch đầu tư khoảng 450 tỷ USD để nâng khả năng cạnh tranh của các nhà sản xuất chip trong nước trong giai đoạn từ nay đến năm 2030.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!