Theo Báo cáo vừa được công bố của Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản, tỷ lệ sản xuất điện hạt nhân của nước này năm tài khóa 2023 đã tăng lên 8,5%. Con số này tăng 2,9 điểm % so với một năm trước đó. Vậy nguyên nhân nào khiến Nhật Bản hồi sinh sản xuất điện hạt nhân?
Theo báo cáo, tỷ lệ điện hạt nhân năm tài khóa 2023 tăng lên là do Nhật Bản khởi động lại Nhà máy điện hạt nhân Takahama tỉnh Fukui. Gần đây nhất cuối tháng 10 vừa qua, Nhật Bản đã tái khởi động lò phản ứng số 2 của nhà máy điện hạt nhân Onagawa tại tỉnh Miyagi.
Nhật Bản đã đặt mục tiêu giảm lượng khí thải nhà kính xuống mức 0 vào năm 2050, hiện thực hóa một xã hội khử carbon và cung cấp nguồn năng lượng ổn định.
Nhật Bản hiện đang phụ thuộc khoảng 70% vào nguồn nhiệt điện, mà nguyên liệu là than và khí hóa lỏng (LNG) chủ yếu nhập khẩu từ nước ngoài và đã tăng đáng kể do xung đột Nga - Ukraine, đồng thời gián đoạn chuỗi cung ứng đã gây ra lo ngại về an ninh nguồn cung.
Nhu cầu điện trong nước có xu hướng tăng trong tương lai do phát triển trí tuệ nhân tạo, xây dựng các trung tâm dữ liệu thiết yếu và các nhà máy sản xuất chất bán dẫn. Theo Octo, một tổ chức điều phối cung cầu điện toàn Nhật Bản, nhu cầu điện vào năm 2033, dự kiến sẽ tăng khoảng 5,37 triệu kW.
Xu hướng ủng hộ điện hạt nhân của các địa phương Nhật Bản tăng nhanh do tác động từ việc giá điện tăng mạnh trong thời gian qua.
Chính phủ Nhật Bản đang dự kiến mục tiêu đến năm 2030, điện hạt nhân có tỷ lệ tiệm cận từ 20-22% và duy trì lâu dài ở mức 20% trong những năm 2040. Để đạt được mục tiêu này, Nhật Bản đang kêu gọi các tập đoàn điện lực đầu tư tái khởi động các nhà máy điện hạt nhân.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!