Việc Nhật Bản tăng trưởng âm 2 quý liên tiếp là một đòn giáng mạnh vào quyết tâm nâng GDP lên 600.000 tỷ Yen (khoảng 5.000 tỷ USD) của Chính phủ Nhật Bản, khi đây vốn là một trong 3 mục tiêu đầy tham vọng trong chính sách kích thích kinh tế giai đoạn 2 Abenomics của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe.
Việc Chính phủ Nhật Bản xem xét tung gói kích thích kinh tế mới là nhằm chặn đà suy thoái của kinh tế Nhật Bản trong 2 quý gần đây. Những chỉ số cơ bản nhất của kinh tế Nhật Bản là đầu tư thiết bị, mua sắm nội địa và xuất khẩu đều đang suy yếu.
Nhật Bản đặc biệt lo lắng trước khả năng nước này lại rơi vào giảm phát một lần nữa, vì điều này sẽ dẫn đến sự thất bại của chính sách kinh tế Abenomics. Đảng Dân chủ tự do LDP cũng lo lắng khả năng mất ghế trong kỳ bầu cử Thượng viện vào tháng 7/2016 khi tình trạng suy yếu kinh tế kéo dài. Nếu kinh tế đảo chiều đi lên LDP nhiều khả năng sẽ duy trì được thế đa số quá bán tại thượng viện như hiện nay.
Gói kích thích sắp tới sẽ chủ yếu nhằm khuyến khích tiêu dùng nội địa thông qua các chính sách hỗ trợ tài chính các gia đình thu nhập thấp, giảm thuế. Cuối năm ngoái Nhật Bản cũng áp dụng một biện pháp tương tự với quy mô là 3.100 tỷ Yen, năm nay chính quyền Thủ tướng Shinzo Abe dự kiến còn tung ra gói lớn hơn với quy mô là 3.500 tỷ Yen, xấp xỉ 30 tỷ USD.
Theo ý kiến của một số chuyên gia, trong ngắn hạn gói kích cầu có thể giúp Nhật Bản ngừng suy thoái nhưng do quy mô hạn chế, chương trình này không thể vực dậy kinh tế Nhật Bản trong dài hạn. Các vấn đề gây bận tâm nhất cho kinh tế nước này vẫn là dân số già kéo theo tiêu dùng yếu, các thị trường xuất khẩu chính như Trung Quốc giảm tốc. Do đó, Chính phủ Nhật Bản vẫn sẽ phải tích cực triển khai cuộc cải cách tòan diện cấu trúc nền kinh tế, trong đó nổi bật là ngành nông nghiệp, năng lượng và kỳ vọng vào ảnh hưởng từ các hiệp định tự do thương mại mới như TPP.
Theo Truyền thông Nhật Bản, gói ngân sách bổ sung để kích thích nền kinh tế dự kiến sẽ được đưa ra vào tháng 12/2015 và sẽ được đệ trình lên Quốc hội Nhật Bản để thông qua vào đầu năm 2016.
Tại cuộc họp về ngân sách cuối tháng 10 vừa qua, trước những con số thống kê không mấy khả quan của nền kinh tế, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) đã quyết định cắt giảm dự báo tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới xuống còn 1,2% trong tài khóa 2015.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trênTV Online!