Kinh tế Nhật Bản đứng trước tương lai bấp bênh sau khi Thủ tướng Abe Shinzo từ chức. (Ảnh: Bloomberg)
Cụ thể, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) dự kiến sẽ tiếp tục thực hiện tất cả các biện pháp có thể để hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp giữa lúc chưa có dấu hiệu nào cho thấy Nhật Bản sẽ sớm khống chế được dịch COVID-19. Thống đốc BOJ tin tưởng rằng với chính sách tiền tệ siêu lỏng đó, tỷ lệ lạm phát có thể sẽ tăng lên mức 2% sau khoảng 2 năm.
Tuy nhiên, cho đến nay, BOJ vẫn chưa đạt được mục tiêu này. Nhiều người lo ngại lạm phát khó có thể tăng trong thời gian tới do tác động của dịch COVID-19.
Cựu Giám đốc Điều hành BOJ Kazuo Monma, người hiện là chuyên gia của Viện Nghiên cứu Mizuho, nhận định: "BOJ sẽ khó thay đổi chính sách tiền tệ của mình chí ít cho đến khi dịch COVID-19 được khống chế".
Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo thông báo quyết định từ chức vào chiều 28/8. (Ảnh: AP)
Trong khi đó, một quan chức BOJ khẳng định "bất cứ ai trở thành Thủ tướng mới ở Nhật Bản cũng sẽ không ảnh hưởng tới chính sách của ngân hàng trung ương này".
Sau khi lên cầm quyền vào cuối năm 2012, ông Abe Shinzo đang triển khai hệ thống chính sách cải tổ mang tên Abenomics với 3 mục trọng tâm gồm: Nới lỏng tiền tệ, nới lỏng tài khóa và cải cách kinh tế. Các biện pháp triển khai cụ thể của học thuyết này nhằm mục tiêu phục hồi nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới sau nhiều năm tăng trưởng âm và giảm phát liên tục.
Các chương trình kích thích của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) đã giúp vực dậy tâm lý của các chủ doanh nghiệp, đồng Yên giảm giá làm tăng sức cạnh tranh cho hàng hóa Nhật Bản, tạo ra nhiều việc làm mới.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!