Nhập siêu có gây áp lực lên tỷ giá và nền kinh tế?

Kate Trần-Thứ sáu, ngày 07/06/2024 17:35 GMT+7

Nhập siêu quay trở lại sau 23 tháng xuất siêu liên tục

VTV.vn - Nền kinh tế tháng 5/2024 có nhiều điểm sáng, song vẫn tồn tại gam màu xám, trong đó có sự quay trở lại của nhập siêu. Liệu nhập siêu có gây áp lực lên nền kinh tế?

Nhập siêu có phải là nỗi lo?

Theo nhận định của một số chuyên gia kinh tế, bức tranh kinh tế qua 5 tháng đầu năm mặc dù đang ghi nhận nhiều điểm sáng. Tuy nhiên, gam màu xám vẫn xuất hiện kèm theo đó một số tín hiệu cảnh báo cũng đang lộ diện, đe dọa sự bền vững của nền kinh tế.

Nhập siêu có gây áp lực lên tỷ giá và nền kinh tế? - Ảnh 1.

Nhập siêu quay trở lại sau 23 tháng xuất siêu liên tục

Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, trong tháng 5, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 66,62 tỷ USD. Trong đó kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 5/2024 ước đạt 33,81 tỷ USD, tăng 12,8% so với tháng trước và tăng 29,9% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 5 tháng đầu năm 2024, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 148,76 tỷ USD, tăng 18,2%, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 54,95 tỷ USD, tăng 24,2%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 93,81 tỷ USD, tăng 14,9%. Về cơ cấu nhóm hàng nhập khẩu 5 tháng đầu năm 2024, nhóm hàng tư liệu sản xuất ước đạt 139,89 tỷ USD, chiếm 94%.

Điều đáng nói ở đây là nền kinh tế sau một giai đoạn dài thường xuyên duy trì trạng thái xuất siêu thì đã chuyển trạng thái nhập siêu trong tháng 5/2024. Cán cân thương mại hàng hóa tháng 5 ước tính nhập siêu 1 tỷ USD. Đây là một tín hiệu rất đáng chú ý. 

"Như vậy, sau 23 tháng xuất siêu liên tục, nhập siêu quay trở lại. Tất nhiên, trong thời điểm hiện tại, khi kinh tế đang trên đà phục hồi, sản xuất bắt đầu nhộn nhịp, việc nhập siêu là dấu hiệu tốt. Và số liệu từ Tổng cục Thống kê đã chứng minh, về cơ cấu nhóm hàng nhập khẩu 5 tháng đầu năm 2024, nhóm hàng tư liệu sản xuất ước đạt 139,89 tỷ USD, chiếm 94%", ông Trần Thanh Hải - Phó Cục Trưởng Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công thương) nhấn mạnh thêm.

Về vấn đề này, báo cáo vĩ mô mới cập nhật của Chứng khoán ACB (ACBS) vừa công bố cũng đưa ra nhận định cho rằng nhập siêu nên mừng hơn lo. Theo báo cáo, Việt Nam ghi nhận tháng nhập siêu đầu tiên trong gần 2 năm qua với nhập siêu riêng tháng 5/2024 đạt 1 tỷ USD. Nhìn sơ qua, có vẻ đây là tin buồn vì tăng thêm áp lực tỷ giá. Tuy nhiên, khi phân tích kỹ lưỡng từng số liệu, đây lại có thể là tín hiệu tích cực cho nền kinh tế.

Ngoài ra, báo cáo nêu thêm, nhập khẩu tăng mạnh do nhu cầu nhập nguyên vật liệu cho sản xuất, đặc biệt là hàng điện tử, điện máy và dệt may. Do đó, việc nhập khẩu hiện tại có thể là bước đi trước của xuất khẩu ở các lĩnh vực chủ lực này. Tăng trưởng nhập khẩu chậm trong năm 2023 cũng kìm hãm đà hồi phục của xuất khẩu.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cũng cảnh báo, bên cạnh những con số gia tăng nhập khẩu máy móc, nguyên vật liệu để sản xuất phục vụ xuất khẩu thì chúng ta cũng cần lưu ý về một số mục nhập khẩu hàng hóa phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng.

Hơn thế nữa, cán cân thương mại hàng hóa là một trong những yếu tố có thể ảnh hưởng đến tỷ giá và theo số liệu của Tổng cục Thống kê chỉ số giá USD tháng 5/2024 tăng 1,15% so với tháng trước, tăng 4,21% so với tháng 12/2023, tăng 7,85% so với cùng kỳ năm trước; bình quân 5 tháng đầu năm 2024 tăng 5,24%. 

Nhập siêu trở lại có gây áp lực lên tỷ giá?

Ông Phạm Chí Quang - Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ thuộc Ngân hàng Nhà nước cho biết, nhập khẩu của nền kinh tế phục hồi mạnh làm gia tăng nhu cầu mua ngoại tệ, đặc biệt nhu cầu ngoại tệ để thanh toán nhập khẩu nguyên nhiên vật liệu thiết yếu phục vụ sản xuất trong nước. Tuy nhiên, theo ông Quang, việc nhập khẩu nguyên nhiên vật liệu đầu vào phục vụ quá trình phục hồi kinh tế sẽ tạo tiền đề thúc đẩy hoạt động sản xuất, xuất khẩu, từ đó tạo nguồn thu ngoại tệ trong tương lai. Chu kỳ này có thể giải tỏa bớt áp lực tỷ giá trong thời gian tới.

Còn theo ACBS, nhìn lại bức tranh thương mại xuất nhập khẩu năm 2023, báo cáo nêu rõ, mặc dù thặng dư thương mại có thể giúp giảm áp lực lên tỷ giá trong năm 2023 nhưng đổi lại nền kinh tế cũng ảm đạm trong năm 2023. Vì vậy, nhập siêu ở thời điểm này tuy tạo áp lực tỷ giá trong ngắn hạn nhưng lại mở ra tín hiệu tích cực hơn cho giai đoạn hồi phục các lĩnh vực sản xuất, chế biến, chế tạo trong thời gian tới.

Chi tiết hơn, số liệu nhập khẩu bật tăng rõ nét bắt đầu từ đầu tháng 4, sau một chuỗi tăng trưởng ảm đạm. Các mặt hàng nhập khẩu tập trung vào các nguyên liệu then chốt cho sản xuất, ví như Linh kiện điện tử, máy tính, máy móc thiết bị, nguyên vật liệu dệt may, sắt thép. Trong đó, nhập khẩu linh kiện điện tử máy tính, máy móc thiết bị tăng từ 20 - 50% trong riêng tháng 5/2024, dự kiến sẽ giúp Việt Nam thúc đẩy từ 20 - 30% xuất khẩu trong nửa cuối năm 2024.

Bên cạnh đó có thể kể đến tăng trưởng mạnh của nguyên vật liệu dệt may (tăng 33% trong tháng 5/2024 và hơn 20% trong 5 tháng đầu năm) báo hiệu đơn hàng dệt may sẽ tăng tốt trong nửa cuối năm 2024. 

Hay nhập khẩu sắt thép và sản phẩm sắt thép cũng tăng mạnh trong tháng 4 và tháng 5/2024 (lần lượt tăng 16% và 47%), trong đó hơn 60% là đến từ Trung Quốc. Đây có thể coi là động thái tích trữ hàng giá rẻ để phục vụ cho nhu cầu tiêu thụ đang tăng lên, đồng thời đối phó với rủi ro về chính sách thuế.

Về mặt trung và dài hạn, ông Quang cho biết, trong thời gian tới với đà phục hồi khả quan của xuất khẩu thì nguồn cung ngoại tệ của thị trường sẽ được hỗ trợ gia tăng, trong khi doanh nghiệp vừa qua tăng mạnh mua ngoại tệ kỳ hạn là yếu tố làm giảm bớt nhu cầu ngoại tệ trong tương lai, qua đó cân đối cung – cầu ngoại tệ có nhiều khả năng được cải thiện tích cực hơn tới đây./.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước