Nhãn giảm giá sâu còn 8.000 đồng/kg, người dân âu sầu mang quả vào lò sấy

Theo Dân trí-Chủ nhật, ngày 08/08/2021 09:15 GMT+7

VTV.vn-Do giá nhãn giảm sâu, còn 8.000 - 9.000 đồng/kg tại vườn, nhiều hộ trồng nhãn ở Sông Mã (Sơn La) quyết định không bán nhãn tươi mà mang quả sấy khô, bán dưới dạng long nhãn.

Hiện tại là mùa thu hoạch nhãn ở huyện Sông Mã (Sơn La). Năm nay, nhãn được mùa, quả sai nhưng dân trồng lại âu sầu khi giá nhãn giảm sâu, chỉ còn 7.000 - 8.000 đồng/kg tại vườn.

Chia sẻ với phóng viên, chị Huyền, một hộ trồng nhãn ở Sông Mã cho hay, năm nay, nhà chị có 2 ha nhãn với hơn 400 gốc cây. 2 loại nhãn trong vườn nhà chị, một loại được bán sớm từ tháng 5 âm lịch, loại khác thì đang thu hoạch.

"Vụ nhãn sớm, nhà tôi bán với giá 15.000 - 20.000 đồng/kg, còn vụ hiện tại, thương lái chỉ có trả 8.000 - 10.000 đồng/kg. Cho nên, tôi mới bàn với chồng là quyết định không bán quả tươi nữa mà đem đi sấy khô, bán dưới dạng long nhãn", chị nói.

Nhãn giảm giá sâu còn 8.000 đồng/kg, người dân âu sầu mang quả vào lò sấy - Ảnh 1.

Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, giá nhãn giảm sâu, chỉ còn 8.000 - 9.000 đồng/kg tại vườn.

Theo chị Huyền, nguyên nhân khiến giá nhãn giảm sâu là ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều nơi giãn cách xã hội, thương lái không thể đến thu mua.

"Ước tính, số nhãn còn lại của nhà tôi khoảng 30 tấn, tôi sẽ đem vào lò sấy khô hết. Trung bình, cứ 10 kg nhãn tươi sẽ cho ra khoảng 1,1 - 1,2 kg long nhãn và bán được với giá 130.000 - 150.000 đồng/kg", chị tiết lộ.

Nhãn giảm giá sâu còn 8.000 đồng/kg, người dân âu sầu mang quả vào lò sấy - Ảnh 2.

Để có quả nhãn tươi ngon đến tay người tiêu dùng, trước khi mang ra chợ, tiểu thương phải ngắt lá, cắt cuống, loại bỏ quả thối, dập rồi đóng vào thành từng bao.

Tương tự, anh Tuấn, một hộ trồng nhãn ở huyện Sông Mã (Sơn La) cho hay, không khí ở các vườn hiện nhãn khá ảm đạm, không còn cảnh chen chúc, xe tải nối đuôi nhau chở nhãn ra vào.

Năm nay, nhãn được mùa nhưng nhà anh vẫn thấp thỏm, đứng ngồi không yên với câu chuyện tìm đầu ra cho sản phẩm. Bởi theo anh, các thương lái đến thu mua nhãn giảm mạnh so với mọi năm.

"Năm ngoái, nhãn tươi tôi bán tại vườn có giá 18.000 - 20.000 đồng/kg thì hiện tại chỉ còn 8.000 - 9.000 đồng/kg. Đa phần, hàng này là tôi bán cho các nhà máy làm long nhãn, chứ khách mua ăn quả thì ít", anh cho hay.

Nhãn giảm giá sâu còn 8.000 đồng/kg, người dân âu sầu mang quả vào lò sấy - Ảnh 3.

Nhiều người không bán nhãn tươi mà mang đi sấy khô, bán dưới dạng long nhãn.

Dự kiến, mùa nhãn năm nay, nhà anh Tuấn sẽ thu được khoảng 6 tấn. Anh đã bán hết 4 tấn, còn lại 2 tấn vẫn không có người đến mua. Giá nhãn được anh hạ xuống còn 8.000 đồng/kg nhưng nhiều tiểu thương vẫn ngó lơ.

"Thời chưa có dịch COVID-19, nhãn nhà tôi bẻ đến đâu là thương lái đã phục sẵn ở vườn chờ lấy hàng. Nhãn này chủ yếu được tiêu thụ ở Hà Nội và các tỉnh phía Bắc. Từ khi dịch bùng phát, xe không lên được, thành ra chỉ có lác đác vài thương lái ở Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ về lấy hàng", anh buồn rầu nói.

Nhãn giảm giá sâu còn 8.000 đồng/kg, người dân âu sầu mang quả vào lò sấy - Ảnh 4.

Một số chợ ở Hà Nội, giá nhãn hiện dao động từ 20.000 - 25.000 đồng/kg.

Không chỉ ở Sông Mã (Lào Cai), giá nhãn ở một số chợ đầu mối ở Hà Nam cũng xuống thấp còn 11.000 - 12.000 đồng/kg, nếu mua buôn chỉ 8.000 - 9.000 đồng/kg.

Chị Xuân, một đầu mối buôn nhãn nổi tiếng ở Hà Nam cho biết, tính tới thời điểm hiện tại, chị đã thu mua được hơn 20 tấn. Theo chị đánh giá, năm nay, sức mua của người dân chậm hơn mọi khi dù giá nhãn đã giảm.

"So với các loại quả khác, nhãn thu hoạch, ăn ngon nhất chỉ trong vòng 10 ngày, nếu để lâu quá quả sẽ bị đội cùi, nhạt dần. Thế nên, trước khi nhập bán tôi đều phải tính toán kỹ", chị Xuân chia sẻ.

Theo khảo sát của phóng viên, ở các chợ truyền thống, chợ dân sinh ở Hà Nội, giá nhãn hiện dao động 20.000 - 25.000 đồng/kg. Tuy nhiên, theo nhiều tiểu thương, lượng khách đến mua nhãn ở cửa hàng vẫn vắng, thậm chí là èo uột, không mấy mặn mà.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước