Nhà ở xã hội thiếu mà vẫn... ế

Ban Thời sự-Thứ bảy, ngày 18/05/2024 08:03 GMT+7

VTV.vn - Đang xảy ra một nghịch lý là dù nhu cầu của người lao động về nhà ở khá cao nhưng nhà ở xã hội cho công nhân làm ra tại nhiều nơi... vẫn bị ế

Thực trạng nhà ở công nhân trong khu công nghiệp

Thủ tục hành chính vướng mắc, rườm rà, chưa được tháo gỡ; cơ chế cho vay ưu đãi của gói 120.000 tỷ chưa phù hợp; quyền và lợi ích của chủ đầu tư chưa được đảm bảo… khiến cho nhiều dự án nhà ở xã hội dậm chân tại chỗ. Thị trường khan hiếm hàng khiến căn hộ chung cư tăng giá chóng mặt.

Hiện nay, cả nước có 416 khu công nghiệp. Nhưng số khu công nghiệp đáp ứng được nhà ở cho công nhân đếm trên đầu ngón tay. Từ nhiều năm nay, người lao động tại các khu công nghiệp vẫn sống trong các khu nhà trọ chật chội, ẩm thấp, con cái phải gửi về quê nhờ ông bà nuôi giúp. Đây là lực lượng làm ra của cải vật chất cho xã hội nhưng vẫn không có một ngôi nhà để an tâm lập nghiệp.

Chưa lập gia đình nên anh Lê Thanh Bình - Khu công nghiệp Yên Phong, Bắc Ninh - ở chung phòng trọ với hai người bạn cùng làm trong khu công nghiệp. Căn phòng chỉ khoảng 10m2 bao gồm cả khu vệ sinh. Mọi sinh hoạt đều bất tiện nhưng anh cũng không có cách nào khác khi thu nhập có hạn.

Tương tự, vợ chồng chị Trần Thị Hảo - Khu công nghiệp Yên Phong, Bắc Ninh cũng gửi con về quê với ông bà còn hai vợ chồng chị sống trong căn phòng không có bếp, phải nấu ăn bên ngoài. Mơ ước của anh chị là có một căn nhà nhỏ để đón con lên sống cùng bố mẹ.

Tình trạng thiếu thốn về nhà ở là phổ biến đối với công nhân các khu công nghiệp. Nhiều lao động từ tỉnh xa đến làm việc, tài sản tích lũy không có nên việc mua nhà đối với họ càng trở nên xa vời. Từ miền Nam theo chồng ra Bắc lập nghiệp, sau khi tìm hiểu việc mua nhà ở xã hội chị Nguyễn Thị Hân - Khu công nghiệp Quế Võ, Bắc Ninh - thấy khó mà thực hiện được. Chị cho biết, quá trình phê duyệt chậm, chưa kể phải chứng minh được thu nhập, phải làm việc tại khu công nghiệp trên hai năm. Với thu nhập hiện tại của chị, giá nhà ở xã hội vẫn cao.

Hiện nay, cả nước có 416 khu công nghiệp đã thành lập bao gồm 369 khu công nghiệp nằm ngoài các khu kinh tế. 39 khu công nghiệp nằm trong các khu kinh tế ven biển. Các khu công nghiệp, khu kinh tế đã tạo việc làm cho khoảng 4,15 triệu lao động trực tiếp và phần lớn trong số này đang có nhiều khó khăn về nhà ở.

Ế nhà ở xã hội vì công nhân không đáp ứng đủ điều kiện

Bắc Ninh là một trong những tỉnh dẫn đầu cả nước về phát triển các khu công nghiệp với gần 350.000 người đang làm việc. Tỉnh có quy hoạch xây dựng hơn 41.500 căn hộ đến năm 2030. Đến nay, tỉnh đã triển khai được 54 dự án nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, nhà ở cho công nhân lao động trong các khu công nghiệp. Thế nhưng ở đây lại đang xảy ra một nghịch lý, dù nhu cầu của người lao động về nhà ở khá cao nhưng nhà làm ra... vẫn bị ế.

Làm việc trong khu công nghiệp Yên Phong, nghe thông tin về nhà ở xã hội cho công nhân anh Vũ Đình Tân - Công nhân khu công nghiệp Yên Phong, Bắc Ninh - đã đến tận nơi tìm hiểu nhưng rồi lại chán nản ra về khi biết mình không đủ điều kiện để mua.

Anh cho biết: "Thu nhập cá thường xuyên vẫn chưa đủ điều kiện. Còn những điều kiện khác như cư trú, lưu trú ở tại địa bàn một năm thì đã đủ điều kiện".

Khu nhà ở công nhân tại khu công nghiệp Yên Phong có diện tích quy hoạch hơn 9 ha với đầy đủ tiện nghi đã đi vào hoạt động một phần nhưng đến nay mới chỉ có hơn một trăm người vào ở. Các căn hộ có diện tích từ 26 đến hơn 60 m2 được bán với giá 8,5 triệu đồng/m2.

Nhà ở xã hội thiếu mà vẫn... ế - Ảnh 1.

Dù nhu cầu của người lao động về nhà ở khá cao nhưng nhà làm ra... vẫn bị ế

Ông Nguyễn Chí Dũng - Phó Giám đốc Công ty đầu tư phát triển hạ tầng Viglacera nêu ý kiến: "Theo Luật Nhà ở cũ và các Nghị định hướng dẫn trước đây về các điều kiện mua nhà, khả năng tiếp cận còn khá khó khăn. Luật Nhà ở mới và Nghị định hướng dẫn về nhà ở xã hội, mục tiêu sẽ đưa vào ngày 1/7/2024 hi vọng sẽ tháo gỡ được khó khăn và tăng khả năng tiếp cận cho các đối tượng công nhân ở các khu công nghiệp".

Một dự án khác với 8 tòa nhà trong đó có tòa đang cất nóc nhưng mới có 14 người được chấp thuận hồ sơ mua. Điều này gây khó khăn về vốn cho chủ đầu tư vì họ được quyền bán và thu tiền ngay khi hoàn thành xong móng. Nhiều lao động muốn mua nhưng không đáp ứng điều kiện thu nhập dưới mức 11 triệu đồng/tháng hoặc đã có nhà ở quê cũng không được mua nên cũng đành ngậm ngùi từ bỏ mơ ước về một căn nhà riêng.

Bà Hoàng Thị Quyên - Phó Giám đốc Công ty Greenhome chia sẻ: "Người mua mua tại thời điểm năm 2024 nhưng sẽ tính thuế trung bình của năm 2023 và đều vượt thuế. Chính vì vậy, các công nhân nộp hồ sơ nhưng ít người được đủ điều kiện để mua".

Phát triển công nghiệp đi liền với phát triển đô thị và các hạ tầng thiết yếu khác, những năm qua Bắc Ninh đã chú trọng việc xây nhà ở xã hội bán cho công nhân trong và ngoài khu công nghiệp. Nhưng đến nay, mới bán được khoảng 3000 căn trên tổng số 6000 căn đã hoàn thiện, đủ điều kiện nhận nhà luôn.

Ông Nguyễn Tuấn Dũng - Phó Giám đốc Sở Xây dựng Bắc Ninh nhận định: "Sở Xây dựng nhận thấy còn một số khó khăn, vướng mắc các điều kiện về cư trú và thu nhập. Hiện tại, để xác nhận điều kiện về cư trú ổn định, tạm trú một năm trên địa bàn tỉnh cũng rất khó khăn do các đối tượng thường xuyên thay đổi chỗ ở. Thứ hai là vấn đề về thu nhập".

Tỉnh đã có nhiều văn bản kiến nghị lên Trung ương đề nghị tháo gỡ khó khăn cho cả người lao động và cả các dự án nhưng vẫn chưa có câu trả lời cho vấn đề này. Tại xã Yên Trung có 20.000 lao động đang thuê nhà ở và hơn nửa trong số này muốn mua nhà.

Tháo gỡ khó khăn cho người lao động

Đáng lý ra các khu công nghiệp, khu chế xuất được xây dựng sẽ kéo theo cả một đô thị được hình thành, gồm nhiều thiết chế phụ trợ như nhà ở, trường học để thu hút người lao động từ các nơi về làm việc. Nhưng chúng ta lại đang làm ngược lại, xây nhà máy, khu công nghiệp xong mới lo xây nhà cho công nhân nên mới nảy sinh nhiều bất cập như hiện nay. Các chuyên gia đang đề xuất nhiều giải pháp gỡ khó cho người lao động để họ có thể mua được một căn nhà.

Theo các chuyên gia, để nới rộng và mở rộng đối tượng tiếp cận nhà ở xã hội, cần có nghiên cứu khảo sát tính toán về mức chi tiêu cho cuộc sống của người dân ở các đô thị, thậm chí từng vùng để điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh người nộp thuế cho phù hợp. Có thể điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh theo mức lương tối thiểu vùng, khi đó mức giảm trừ có thể điều chỉnh theo từng năm. Từ đó, điều kiện mua nhà ở xã hội cũng sẽ hợp lý hơn.

Ông Trần Duy Ánh - Kiến trúc sư cho biết: "Một điều kiện để mua nhà ở mức cao thì vượt quá thuế, thấp thì không đủ khả năng để trả tiền nhà. Như vậy gây khó khăn cả cho người muốn mua nhà ở cũng như khó khăn cho người bán nhà ở. Việc bán nhà ở cho công nhân vẫn là một bài toán kinh tế khó khăn. Việc cho thuê với giá hợp lý có thể có tính thực tiễn hơn. Có thể kết hợp việc cho thuê cũng như trả dần, trả góp của người công nhân thì khả năng sở hữu nhà ở cho công nhân tại các khu công nghiệp phát triển sẽ có điều kiện hơn".

Việc cần làm cấp bách trong thời gian tới là sửa đổi các quy định về tiêu chuẩn mua nhà ở xã hội để khắc phục tình trạng nhà xây xong ế trong khi người lao động lại không được mua. Luật Nhà ở 2023 đã "thông thoáng" hơn về điều kiện thụ hưởng chính sách nhà ở xã hội nhưng để đi vào thực tế thì vẫn còn mất một khoảng thời gian nữa.

Ông Nguyễn Tuấn Dũng - Phó Giám đốc Sở Xây dựng Bắc Ninh đưa ra ý kiến: "Luật Nhà ở năm 2023 trong đó đã tháo gỡ được những vướng mắc về điều kiện thu nhập như nâng mức thu nhập và chịu thuế. Tuy nhiên, việc mua nhà ở đối với các đối tượng này đặc biệt với các công nhân ngoại tỉnh sẽ vẫn rất khó khăn do việc nâng mức thu nhập phải chịu thuế là không đáng kể trong khi nhà ở vẫn còn cao so với mức thu nhập. Vì vậy, Sở Xây dựng đề nghị trong quá trình soạn thảo Thông tư, Nghị định và Luật, các cơ quan chức năng sẽ xem xét bỏ điều kiện về thu nhập và chỉ đáp ứng nhu cầu khó khăn về nhà ở, đảm bảo mở rộng, tạo điều kiện cho các đối tượng mua nhà theo quy định".

Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất một triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp trong giai đoạn 2021-2030" đã thắp lên niềm tin và hy vọng cho hàng triệu công nhân - người lao động có thu nhập thấp về một nơi "an cư lạc nghiệp". Nhưng vẫn còn nhiều rào cản với ý tưởng nhân văn này. Các bên cần nghiêm túc ngồi lại với nhau để tháo gỡ với những yêu cầu sát với thực tế, còn không thì hi vọng có nhà ở của người thu nhập thấp vẫn là hi vọng phải trì hoãn.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước