Nhà ở công nhân có "bứt phá" trong năm 2022?

VTV Digital-Thứ ba, ngày 25/01/2022 06:12 GMT+7

VTV.vn - Thời gian qua, nhà ở công nhân chỉ được xem như một phân khúc nhà ở phụ trên thị trường bất động sản. Tuy nhiên, bước sang năm 2022, phân khúc này hứa hẹn sẽ bứt phá.

Nguyên nhân là bởi sự phát triển vượt bậc của các khu công nghiệp đòi hỏi phải xây dựng nhiều khu nhà ở ổn định, an toàn cho công nhân, để ứng phó với các tình huống dịch bệnh. Chưa kể, quỹ đất tại các thành phố lớn đã cạn kiệt, các dự án nhà ở thương mại đang vướng mắc pháp lý, nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu chuyển hướng sang làm nhà ở công nhân, vốn có những ưu đãi riêng về thuế, tiền sử dụng đất. Ngay từ đầu năm, một số gói tín dụng đã được đưa ra nhằm nhanh chóng tạo nguồn cung cho nhà ở công nhân.

Nhà ở công nhân có bứt phá trong năm 2022? - Ảnh 1.

Thêm nguồn vốn để phát triển nhà ở công nhân

Theo đề xuất của Bộ Xây dựng, sẽ có 2 nguồn vốn hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội và nhà ở công nhân: một là gói tín dụng 15 nghìn tỷ đồng thông qua Ngân hàng chính sách xã hội để cho vay trực tiếp người mua, người thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.

Ngoài ra, trong gói 40 nghìn tỷ đồng theo Nghị quyết của Quốc hội nhằm phục hồi và phát triển kinh tế xã hội trong năm 2022 - 2023 có dành gói hỗ trợ lãi suất các doanh nghiệp đầu tư và triển nhà ở xã hội nhà ở công nhân với mức hỗ trợ lãi suất 2%/năm.

Để triển khai chính sách này, Bộ Xây dựng sẽ yêu cầu các địa phương rà soát các dự án đang triển khai và sẽ triển khai mà có nhu cầu vốn đủ điều kiện thực hiện trong 2 năm nhằm kịp thời tạo nguồn cung, giải quyết bài toán nhà ở cho công nhân".

Như vậy, với việc nguồn vốn hướng sự ưu tiên đến đồng thời cả nguồn cung và nguồn cầu trong khoảng thời gian 2 năm, được kỳ vọng sẽ sớm giải quyết sự thiếu hụt lớn về nhà ở công nhân đã diễn ra trong thời gian dài vừa qua bởi thực tế theo ghi nhận của phóng viên VTV, việc được ở trong những khu nhà được quy hoạch bài bản đã và đang mang lại cuộc sống tốt hơn cho người công nhân, giúp họ gắn bó hơn với công việc, tạo sự ổn định về nguồn nhân lực cho các doanh nghiêp.

Nhà ở công nhân có bứt phá trong năm 2022? - Ảnh 2.

Cần nhiều khu nhà được quy hoạch dành riêng cho công nhân

Thay vì ở thuê trong phòng trọ chật hẹn trên dưới 10m2, từ khi có con nhỏ, chị Nguyễn Thị Phương, công nhân Khu công nghiệp Bắc Thăng Long - Hà Nội, đã được tạo điều kiện vào ở trong khu nhà dành riêng cho công nhân được thành phố Hà Nội xây dựng. Điều này đã giúp chị tránh được nhiều lo lắng như ở tại các khu nhà trọ tự phát trước kia. Chị Nguyễn Thị Phương cho biết: "Tôi rất yên tâm khi đi làm, con được vui chơi thoải mái".

Theo số liệu mới được Tổng hội Xây dựng đưa ra, với số lượng công nhân hiện nay lên tới 4 triệu, lượng nhà ở được quy hoạch đáp ứng nhu cầu của bộ phận người lao động này hiện chưa đến 30%. Hơn 70% còn lại phải thuê nhà trọ bên ngoài với nhiều điều kiện hạn chế. Tuy nhiên, không phải lúc nào nhà ở công nhân được xây dựng sạch đẹp cũng thu hút được công nhân vào ở.

Theo Ban quản lý của một khu nhà ở công nhân, toàn bộ các căn hộ tại đây đã được các doanh nghiệp trong khu công nghiệp trên địa bàn và lân cận thuê hết, để cho công nhân ở. Trong giai đoạn có dịch bệnh căng thẳng vừa qua, khi các doanh nghiệp buộc phải thực hiện quy định 1 cung đường 2 điểm đến, nhờ hệ thống nhà ở công nhân này, nhiều doanh nghiệp đã không bị gián đoạn hoạt động sản xuất. Tuy nhiên, điều này chỉ xảy ra khi có dịch, còn trong điều kiện thông thường, dù chỉ có giá thuê 120.000 đồng/người/tháng, nhiều công nhân vẫn không mặn mà đến ở vì nhiều điều kiện ràng buộc hơn như điều kiện ra vào phải tuân thủ theo quy định chung về giờ giấc nên nhà ở công nhân không phải là lựa chọn của hầu hết các công nhân tại các khu công nghiệp.

Đây là thực tế cũng đang diễn ra tại nhiều địa phương đang phát triển mạnh các khu công nghiệp khác như Bắc Ninh, Bắc Giang.

Ông Phạm Tiến Dũng, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Cát Tường, cho biết: "Quãng đường dự án nhà ở xã hội và một bên là nhà trọ chỉ cách nhau một nhà trọ thôi, một bên vắng tanh còn một bên sầm uất. Mức giá cho thuê trọ phù hợp với thu nhập của người công nhân, ở trong các khu nhà trọ họ có cảm giác tự do hơn ở chung cư xây cho họ. Văn hoá ở, văn hoá sinh hoạt khác nhau".

Các doanh nghiệp chia sẻ, tìm nguồn lực để xây nhà ở công nhân đã khó, nhưng việc hút công nhân vào ở còn khó hơn bội phần.

Nhà ở công nhân có bứt phá trong năm 2022? - Ảnh 3.

Đề xuất giải pháp phát triển nhà ở công nhân

Hiện nay, chính sách nhà ở cho công nhân làm việc trong khu công nghiệp đang được lồng ghép vào chính sách nhà ở xã hội (tức là loại hình nhà ở dành cho người thu nhập thấp, đối tượng chính sách xã hội). Việc gộp chung này đang gây khó cho việc xây dựng, hoặc tạo ra mô hình nhà ở phù hợp với công nhân. Các doanh nghiệp kiến nghị, đã đến lúc cần sự thay đổi tổng thể về cả quy hoạch và quy định pháp luật để phát triển nhà ở công nhân.

Ông Phạm Tiến Dũng, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Cát Tường, chia sẻ: "Phải nghiên cứu bù giá cho nhà ở công nhân. Để chắc chắn thu hút được công nhân, chi phí cho thuê phù hợp, 10-15% thu nhập của công nhân, phải đảm bảo tự do riêng tư với lứa tuổi của công nhân, họ không ở tập thể như sinh viên".

Trong khi đó, tại các khu công nghiệp do Nhà nước xây dựng, cũng đòi hỏi sự nhanh nhạy hơn trong việc quản lý.

Ông Nguyễn Hồng Giang, Trưởng phòng Quản lý nhà, Xí nghiệp Quản lý và Phát triển nhà ở Xã Hội - Công ty TNHH MTV Quản lý và phát triển nhà ở Hà Nội, cho biết: "Dự án nhà nước đầu tư thì khi có hỏng hóc, thủ tục xử lý chậm, qua nhiều kênh, để xử lý được sự cố, làm thế nào Nhà nước quản lý đầu tư cũng phải nhanh chóng".

Nhiều doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động mong muốn có thể đứng ra mua hoặc thuê nhà ở để bố trí cho công nhân ở. Song, Luật Nhà ở 2014 quy định, loại hình này chỉ được bán, cho thuê, cho thuê mua, cho đối tượng là các hộ gia đình, cá nhân, không có quy định bán cho tổ chức, doanh nghiệp. Quy định đã làm giảm bớt lượng khách của các dự án.

Phản hồi ý kiến từ các doanh nghiệp, đại diện Bộ Xây dựng cho biết, các khó khăn, vướng mắc trong phát triển nhà ở công nhân đang được đề xuất tháo gỡ dần.

Ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng, nói: "Bộ Xây dựng đã và đang phối hợp với Bộ KH&ĐT sửa Nghị định 82 về khu công nghiệp, trong khu công nghiệp có dành quỹ đất để phát triển dịch vụ thương mại, phải dành một phần để xây dựng nhà lưu trú cho công nhân thuê vì đây là đất thương mại. Bộ Xây dựng đã đề xuất và được chính phủ đồng ý, tới đây trình Quốc hội để cho phép khi sửa luật là tách hẳn chính sách nhà ở công nhân một chính sách riêng".

Từ giữa năm 2021, khi dịch COVID-19 bùng phát mạnh tại các tỉnh phía Nam, vấn đề phát triển nhà ở công nhân đã thực sự trở thành vấn đề nóng trong cộng đồng. Thế nhưng, những rào cản về pháp lý và nỗi lo xây nhà xong mà không có người vào ở, vẫn ít nhiều làm doanh nghiệp chùn bước, chờ đợi những giải pháp mang tính đột phá từ phía các cơ quan chức năng và các địa phương.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước