Nhà đầu tư “khát” trái phiếu doanh nghiệp, đơn vị phân phối vẫn bán “chui”

VTV Digital-Thứ năm, ngày 22/07/2021 06:07 GMT+7

VTV.vn - Theo ghi nhận, hiện tượng bán trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư không đủ điều kiện vẫn diễn ra bất chấp quy định mới.

Không đau đầu chuyện tăng giảm như cổ phiếu, trái phiếu là sản phẩm có lãi suất cố định lên tới 10%, 12%, thậm chí 15%/năm khiến không ít nhà đầu tư bỏ tiền mua mà không cần xem đang mua trái phiếu của một doanh nghiệp với sức khỏe tài chính có tốt không, có đủ khả năng trả nợ và lãi đúng cam kết hay không.

Tránh câu chuyện nhà đầu tư mua trái phiếu chỉ vì ham lãi cao, một loạt quy định đã ra đời để chấn chỉnh lại hoạt động phân phối trái phiếu.

Theo quy định mới của Nghị định 153/2020, từ năm 2021, chỉ nhà đầu tư chuyên nghiệp được phép mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ. Dù đã có quy định nhưng hiện tượng bán trái phiếu cho nhà đầu tư không đủ điều kiện vẫn đang diễn ra.

Nhà đầu tư “khát” trái phiếu doanh nghiệp, đơn vị phân phối vẫn bán “chui” - Ảnh 1.

Trái phiếu là sản phẩm có lãi suất cố định lên tới 10%, 12%, thậm chí 15%/năm. (Ảnh minh họa: Báo Đầu tư)

Luật Chứng khoán nêu rõ cá nhân là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp khi thỏa mãn 1 trong 3 điều kiện sau:

1. Có chứng chỉ hành nghề chứng khoán;

2. Nắm giữ danh mục chứng khoán niêm yết, đăng ký giao dịch có giá trị tối thiểu 2 tỷ đồng theo xác nhận của công ty chứng khoán;

3. Có thu nhập chịu thuế năm gần nhất tối thiểu 1 tỷ đồng.

Điều số 1 chỉ phù hợp với 1 bộ phận người xác định chứng khoán là nghề nghiệp, điều số 3 là mức thu nhập không dành cho đại bộ phận dân chúng. Có 2 tỷ mua chứng khoán như điều số 2 cũng không dễ, tuy nhiên chuyện này có thể "phù phép" được.

Nhiều chiêu trò lách luật để mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ

Chưa có tài khoản chứng khoán, cũng không cần có kinh nghiệm đầu tư trên 2 tỷ như quy định, nhân viên môi giới cho biết chỉ cần mất phí là có giấy xác nhận là nhà đầu tư chuyên nghiệp của công ty chứng khoán.

"Nếu làm 1 giấy xác nhận nhà đầu tư chuyên nghiệp sẽ phải mất phí rất cao, 5 triệu cơ", nhân viên tư vấn trái phiếu cho biết.

Theo chuyên gia, các công ty chứng khoán đã lách luật bằng cách yêu cầu người dân mở tài khoản. Chỉ cần có vài trăm triệu, môi giới công ty sẽ đứng ra giao dịch cho khách hàng đủ 2 tỷ đồng để đủ điện kiện chứng nhận. Mức phí từ 2 - 8 triệu tùy nơi. Còn nếu không muốn mất phí, người dân vẫn có thể mua trái phiếu bằng cách núp bóng 1 nhà đầu tư chuyên nghiệp.

Theo Bộ Tài chính, sở dĩ có yêu cầu chỉ nhà đầu tư chuyên nghiệp mới được mua trái phiếu riêng lẻ để bảo vệ quyền lợi cho các nhà đầu tư nhỏ. Bởi phát hành trái phiếu riêng lẻ, doanh nghiệp không bắt buộc phải có lãi như trái phiếu phát hành ra công chúng. Lãi suất trái phiếu bình quân khoảng 7,64%/năm, nhưng riêng nhóm bất động sản khi phát hành riêng lẻ, lãi suất là 10,5%/năm.

"Nếu nhà đầu tư chỉ quan tâm đến lãi suất, mà không quan tâm đến các điều kiện, điều khoản của trái phiếu, trái phiếu có tài sản đảm bảo hay không có tài sản đảm bảo, chất lượng tài sản đảm bảo của trái phiếu như thế nào, đó cũng là một rủi ro", Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính các Ngân hàng và Tổ chức tín dụng (Bộ Tài Chính) Nguyễn Hoàng Dương cho hay.

Bộ Tài chính cũng cảnh báo, việc công ty chứng khoán hay ngân hàng phân phối trái phiếu doanh nghiệp không có nghĩa là các tổ chức này đảm bảo an toàn cho việc đầu tư của người dân. Họ chỉ cung cấp dịch vụ, hưởng phí dịch vụ từ doanh nghiệp phát hành mà không chịu trách nhiệm về việc doanh nghiệp có hoàn trả được gốc, lãi trái phiếu khi đến hạn hay không. Rủi ro của trái phiếu vẫn là rủi ro của doanh nghiệp phát hành.

Thực tế, sau một loạt các quy định mới, rủi ro trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã hạ đáng kể, tỷ trọng nhà đầu tư cá nhân mua trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ trên thị trường sơ cấp 6 tháng đầu năm 2021 chỉ chiếm 5,9% khối lượng phát hành, giảm mạnh so với tỷ trọng nhà đầu tư cá nhân năm 2020 (12,68%).

Nhà đầu tư “khát” trái phiếu doanh nghiệp, đơn vị phân phối vẫn bán “chui” - Ảnh 2.

Theo Bộ Tài chính, việc công ty chứng khoán hay ngân hàng phân phối trái phiếu doanh nghiệp không có nghĩa là các tổ chức này đảm bảo an toàn cho việc đầu tư của người dân. (Ảnh minh họa: Báo Đầu tư)

Do đó, câu chuyện mua chui trái phiếu doanh nghiệp kể trên cũng chỉ là thiểu số, tuy nhiên nó vừa là câu chuyện rủi ro cần phải chấn chỉnh từ phía đơn vị phân phối và đơn vị phát hành, nó cũng vừa là câu chuyện để chúng ta nhìn nhận vào gốc rễ của vấn đề.

Việc siết phát hành riêng lẻ là để doanh nghiệp đẩy mạnh phát hành trái phiếu doanh nghiệp ra công chúng. Thống kê 6 tháng đầu năm, khối lượng phát hành ra công chúng là 15.375 tỷ đồng, dù đã tăng tới 53% so với cùng kỳ năm 2020, nhưng con số này mới chỉ chiếm 8% tổng khối lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành.

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp: Cung vẫn chưa gặp cầu

Muốn mua trái phiếu doanh nghiệp nhưng nhà đầu tư cũng không còn nhiều lựa chọn. Quan sát trên hệ thống của một công ty chứng khoán, nguồn trái phiếu riêng lẻ có từ trước quy định nhà đầu tư chuyên nghiệp giờ cũng đã cạn. Nguồn trái phiếu công chúng còn vỏn vẹn vài mã và cũng đã gần hết suất mua. Theo chuyên viên tư vấn đầu tư Nguyễn Thanh Tùng, nguyên nhân bởi doanh nghiệp vẫn ngại phát hành ra công chúng.

"Để một trái phiếu đạt tiêu chuẩn niêm yết cần nhiều yêu cầu hơn, theo nhu cầu vốn của doanh nghiệp cũng cần nhiều thời gian hơn. Do vậy phát hành trái phiếu riêng lẻ phù hợp hơn với doanh nghiệp đang cần vốn, chỉ vướng quy định nhà đầu tư chuyên nghiệp. Đơn vị tư vấn đã giúp khách hàng làm thủ tục", chuyên viên Tư vấn đầu tư Nguyễn Thanh Tùng nhận định.

Khi lãi suất tiết kiệm giảm, dòng tiền nhàn rỗi rút ra từ nhà băng thực tế sẽ phù hợp với kênh đầu tư trái phiếu hơn là cổ phiếu, bởi khẩu vị ưa lãi suất cố định và không ưa sản phẩm đầu tư có độ rủi ro cao. Tuy nhiên khi cung không đủ đáp ứng cầu, phần nào dẫn đến câu chuyện "đi đêm" mua trái phiếu sai quy định kể trên.

Từ góc nhìn quốc tế, theo chuyên gia kinh tế Hồ Quốc Tuấn, ngoài việc phát triển các quỹ đầu tư trái phiếu, các bộ phận nghiên cứu trái phiếu trong các định chế tài chính để đáp ứng nhu cầu nhà đầu tư. Việt Nam cũng có thể tính đến việc chuẩn hóa nghề tư vấn tài chính cá nhân.

Với quy định từ năm 2023, trái phiếu doanh nghiệp phát hành ra công chúng với quy mô lớn phải có định hạng tín nhiệm, tăng cường tính minh bạch, hứa hẹn sẽ là những bệ đỡ quan trọng giúp thị trường trái phiếu trở thành một kênh huy động vốn hiệu quả cho doanh nghiệp trong tương lai. Tuy nhiên với một thị trường còn non trẻ và đang tăng trưởng nóng, vẫn còn đó những vấn đề cần chỉnh sửa và hoàn thiện.

Trái phiếu doanh nghiệp: Lãi suất cao sẽ đi kèm với rủi ro cao Trái phiếu doanh nghiệp: Lãi suất cao sẽ đi kèm với rủi ro cao

VTV.vn - Lãi suất cao sẽ đi kèm với rủi ro cao, do đó, nhà đầu tư phải hết sức thận trọng, đánh giá kỹ về các rủi ro trước khi quyết định mua trái phiếu doanh nghiệp.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước