Nhà bán lẻ nội tính toán gì sau các thương vụ M&A?

Trung tâm Tin tức VTV24-Thứ tư, ngày 10/07/2019 06:34 GMT+7

VTV.vn - Doanh nghiệp nội liệu có thể tận dụng được cơ hội khi các doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài liên tục sụt giảm lợi nhuận?

Doanh nghiệp bán lẻ chật vật tại thị trường Việt Nam

Sự chật vật của các doanh nghiệp bán lẻ ngoại tại thị trường Việt Nam không chỉ thể hiện qua việc những ông lớn từ châu Âu đã rời bỏ thị trường như Auchan, Casino Group hay Metro Group mà cả những tên tuổi đang hiện diện ở thị trường như Big C hay Lotte Mart.

Trong vụ lùm xùm dừng nhập hàng may mặc của Việt Nam mới đây, lý do Big C đưa ra là phải tái cơ cấu hoạt động. Thực tế, sau khi về tay người Thái, Big C đã có kết quả kinh doanh kém hơn trước. Cụ thể, báo cáo tài chính mới nhất từ 3 siêu thị Big C Thăng Long, An Lạc và Đồng Nai cho thấy, lợi nhuận một số siêu thị của Big C sụt giảm 10% so với giai đoạn trước khi chuyển giao cho tỷ phú Thái vào năm 2016. Trong khi đó, MM Mega Market chung nhà Central Group cũng báo lỗ hơn 100 tỷ đồng. Trong khi một đại gia bán lẻ khác là Lotte Mart báo lỗ lũy kế 800 tỷ đồng.

Nếu như thời điểm năm 2016, dư luận "giật mình" trước con số hơn 50% thị phần bán lẻ Việt Nam đã về tay doanh nghiệp ngoại mà Hội Siêu thị Hà Nội đưa ra thì sau hơn 4 năm, những số liệu mới nhất lại cho thấy, các nhà bán lẻ nội có phần nhỉnh hơn về độ phủ - số điểm bán. Đặc biệt, sau hai thương vụ Saigon Coop mua lại chuỗi siêu thị Auchan và VinCommerce mua lại chuỗi cửa hàng tiện lợi Shop&Go...

Bán lẻ nội mở rộng độ phủ

Ở mảng siêu thị - đại siêu thị, nhà bán lẻ Việt đang chiếm gần 70% số điểm bán. Với trung tâm thương mại cũng áp đảo khi riêng cái tên VinCommerce đã chiếm hơn 60% điểm bán. Ở mô hình đang phát triển mạnh là cửa hàng tiện lợi và siêu thị mini, con số này cũng áp đảo với gần 80% số điểm bán là của VinCommerce, Thế giới di động và Satrafoods...

Báo cáo kết quả kinh doanh từ các nhà bán lẻ nội phần nào khả quan hơn. Năm 2018, công ty mẹ Saigon Coop vẫn đạt lợi nhuận trên 1.000 tỷ đồng. Trong khi chuỗi bán lẻ VinMart, Vincom cũng được đánh giá đầy tiềm lực với nguồn lực tài chính dồi dào từ tập đoàn mẹ Vingroup. Công ty con chuyên về bán lẻ Vincom Retail cũng đạt mức vốn hóa hơn 83.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên có độ phủ lớn chưa đồng nghĩa với khả năng chiếm lĩnh thị trường, chính các nhà bán lẻ nội cũng hiểu rõ điều này khi đằng sau các thương vụ M&A là những chiến lược mang tính dài hơi.

Bán lẻ nội trước cơ hội tăng tốc

Auchan rời khỏi thị trường thị trường Việt Nam. Nhưng bộ phận xuất nhập khẩu của nhà bán lẻ Pháp này vẫn sẽ làm việc với đối tác nhận chuyển nhượng là Saigon Co.op, giúp nhà bán lẻ Việt có thể tiếp cận với hơn 2.800 điểm bán tại 15 quốc gia trên toàn thế giới. Đây mới là điều mà doanh nghiệp Việt thực sự muốn đằng sau thương vụ này.

Hệ thống của Saigon Coop hiện có hơn 100 siêu thị, đứng đầu thị trường về số lượng. Do vậy con số 15 siêu thị mua lại từ Auchan lại không quan trọng bằng cơ hội mà thương vụ sẽ mở ra sau này giúp nhà bán lẻ xuất khẩu sang những thị trường chủ lực như châu Âu, Nga, Trung Quốc... mà Auchan đã có sẵn mạng lưới phân phối.

Hiện giá trị xuất khẩu hàng Việt qua kênh siêu thị ngoại đã lên đến hàng tỷ USD với sự tham gia của các chuỗi Aeon, Central Group, Lotte Mart và NTUC FairPrice... Tuy nhiên, phần lớn vẫn là xuất dưới dạng không thương hiệu, mà theo nhãn hàng riêng của các nhà bán lẻ ngoại. Do đó nếu như Saigon Coop có thể tận dụng được kênh này, sẽ tăng khả năng hàng Việt mang nhãn hàng riêng của siêu thị Việt tiếp cận thị trường ngoại... mang lại giá trị gia tăng nhiều hơn cho doanh nghiệp trong nước...

Với những đô thị sôi động như TP.HCM hay Hà Nội thì việc cạnh tranh với nhau bằng số lượng các điểm bán lẻ đôi khi lại không quan trọng bằng cạnh tranh phương thức tiếp cận khách hàng. Các doanh nghiệp bán lẻ hiện nay cũng không cần các cửa hàng trực tiếp mà có thể tận dụng những nhà chờ xe bus để dựng lên cửa hàng ảo. Người dùng chỉ cần quét mã đã có thể mua được hàng.

Đây là một hình thức bán lẻ mới nằm trong chiến lược phát triển thương mại điện tử của VinCommerce trong năm nay. Lúc này, hơn 1.500 điểm bán mà doanh nghiệp đang có được bao gồm hàng trăm cửa hàng mua lại từ Shop&Go sẽ đóng vai trò như hàng nghìn "điểm trung chuyển" hàng hóa, tạo lợi thế trong cuộc đua về giao hàng online so với các đối thủ.

Việc cạnh tranh về hàng hóa, về nâng cấp trải nghiệm người dùng mới là "phần chìm" của tảng băng mua bán và sáp nhập giữa các doanh nghiệp bán lẻ trong thời gian tới. Nếu xét về lượng, các doanh nghiệp nội không thua kém nhưng nếu xét về chất, nhà bán lẻ nội sẽ cần nỗ lực hơn rất nhiều.

Giới chuyên gia nhận định, dù sở hữu độ phủ ít hơn nhưng doanh nghiệp nước ngoài lại nổi trội hơn về khả năng áp dụng các phương thức bán lẻ mới, hiện đại để thu hút người tiêu dùng Việt Nam. Cuộc cạnh tranh phía trước vẫn sẽ là rất thách thức với doanh nghiệp nội để thực sự chiếm lĩnh được thị trường bán lẻ sân nhà.

Doanh thu bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng đạt gần 2,4 triệu tỷ đồng Doanh thu bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng đạt gần 2,4 triệu tỷ đồng

VTV.vn - Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 6 tháng đầu năm 2019 tăng 11,5% so với cùng kỳ năm trước.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước