Nếu đến thời điểm này mà món nợ 1,3 tỷ USD trái phiếu không được trả hết thì đây sẽ là lần thứ hai đất nước này rơi vào tình trạng vỡ nợ trong vòng 13 năm qua. Hiện Bộ trưởng Kinh tế Argentina ông Axel Kicill đang ở New York, trong một nỗ lực cuối cùng nhằm cứu nền kinh tế Nam Mỹ này ra khỏi vỡ nợ.
Ngày hôm qua (30/7), ông Kicill đã có cuộc gặp với các trái chủ, đó cũng là lần đối thoại trực tiếp đầu tiên giữa Argentina và nhóm các quỹ đầu tư mạo hiểm đang là chủ khoản nợ 1,33 tỷ USD của nước này.
Ông Kicill cho biết đàm phán đang diễn ra khẩn trương, nhưng nguy cơ vỡ nợ đang rất rõ rệt, khi mà các bên tham gia đối thoại còn tương đối nhiều khúc mắc.
1,33 tỷ có vẻ không đáng kể với một nền kinh tế như Argentina, nhưng nếu Argentina chấp nhận khoản nợ này, nó sẽ kéo theo nghĩa vụ pháp lý buộc nước này phải trả các khoản nợ tương tự khác có giá trị lên đến 15 tỷ USD. Đồng nghĩa với việc dự trữ ngoại hối của nước này sẽ cạn kiệt.
Nỗi sợ hãi và ám ảnh về khả năng vỡ nợ đang bao trùm lên toàn thể quốc gia Argentina lúc này. Nếu xảy ra, việc vỡ nợ lần hai sẽ làm trầm trọng thêm các vấn đề mà nền kinh tế lớn thứ 3 Mỹ Latin đang phải đối mặt.
Tuyên bố vỡ nợ đồng nghĩa với việc Argentina sẽ tiếp tục gặp khó khăn trong việc tiếp cận các thị trường vốn quốc tế, cản trở sự phát triển của nhiều ngành công nghiệp. Việc Chính phủ tuyên bố vỡ nợ cũng sẽ kéo theo phản ứng dây chuyền đối với các chính quyền địa phương, vốn đang phải vay mượn rất nhiều để giải quyết tình trạng thâm hụt ngân sách. Thêm vào đó đồng peso cũng sẽ bị phá giá, châm ngòi cho lạm phát - vốn đang ở mức cao ngất ngưởng.