Tổng thống Mỹ đã ký sắc lệnh áp thuế đối với hàng hoá nhập khẩu từ Trung Quốc, mức thuế mới sẽ làm cho Trung Quốc mỗi năm phải trả thêm cho Mỹ tới 60 tỷ USD tiền thuế.
Trung Quốc đã ngay lập tức lên tiếng mạnh mẽ là sẽ đáp trả tương tự. Nguy cơ về một cuộc chiến tranh thương mại, không chỉ giữa Mỹ và Trung Quốc, đang làm cho nhiều nước lo ngại.
Tờ Diario de Noticias có bài "Mỹ tuyên chiến thương mại với Trung Quốc và nương tay với châu Âu". Tờ báo Bồ Đào Nha tính ra có tới 1.300 mặt hàng của Trung Quốc sẽ bị tăng thuế khi nhập khẩu vào Mỹ theo quy định mới.
Trong khi đó, tờ Nice-Matin của Pháp đặt title "Chiến tranh thương mại, Trung Quốc và Hoa Kỳ ăn miếng trả miếng". Khi mà Washington vừa quyết định tăng thuế đánh vào hàng nhập khẩu từ Trung Quốc ở mức 60 tỷ USD, Bắc Kinh đã đáp trả ngay rằng sẽ ngăn thịt lợn và hoa quả Mỹ nhập khẩu vào Trung Quốc.
Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung liệu có thể bùng phát hay không, tờ Le Figaro thận trọng tìm câu trả lời. Tờ báo Pháp cho rằng Mỹ cũng sẽ thiệt hại nhiều. Nhiều doanh nghiệp lớn của Mỹ đã bày tỏ lo ngại, thuế nhập hàng Trung Quốc quá cao, cuối cùng, người tiêu dùng Mỹ lại phải gánh chịu.
Tuy nhiên, tờ Kurier ra tại Áo thì cho là khó có thể nổ ra chiến tranh thương mại vì đó là một biện pháp cực kỳ rủi ro cho cả phía Mỹ. Mỹ tuyên bố các biện pháp mạnh mẽ không phải là để thực hiện các biện pháp đó mà cốt để ép đối tác phải đàm phán lại sao cho có lợi hơn cho Mỹ, đó mới chính là mục đích cuối cùng.
Với cách làm đó, Mỹ lại thêm thành công trước đối tác Liên minh châu Âu. Khi Mỹ tuyên bố sẽ áp thuế nhôm, thép thật cao, Ủy ban châu Âu đáp lại rằng, nếu Mỹ mà quyết thật, châu Âu sẽ trả đũa tương xứng. Thế nhưng, khi Mỹ vẫn quyết, Liên minh châu Âu lại xuống giọng, mong mỏi được Mỹ đối xử đặc biệt, chấp nhận ngồi lại thảo luận về các mức thuế.
Tờ Le Soir của Bỉ, khi viết về cuộc đàm phán sắp tới giữa Liên minh châu Âu và Mỹ, đã lấy một câu của lãnh đạo châu Âu làm đầu đề bài báo: "Chúng tôi không đàm phán khi bị chĩa súng vào thái dương". Nghe có vẻ cứng cỏi nhưng bản chất vẫn là châu Âu nay đã buộc phải chấp nhận đàm phán lại với Mỹ về thương mại.
Vậy liệu Mỹ có ép được Trung Quốc cũng phải nhân nhượng như vậy hay không là câu hỏi của một tờ báo Đức. Tờ Rheinische Post viết: "Những mức thuế cao hơn đánh vào hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ sẽ có hiệu lực trong 30 ngày kể từ khi công bố danh sách". Tuy nhiên, đến cuối tuần vừa qua vẫn chưa có dấu hiệu Trung Quốc lùi bước trước sức ép của Mỹ.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!